Lấy bệnh nhân làm trung tâm
Tại hội nghị Chính phủ điện tử diễn ra ngày 17/9/2020 (TP.HCM), nói về thực trạng mức độ hài lòng của người bệnh với dịch vụ công ngành y tế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: “Đã có 41,7 triệu phiếu khảo sát trực tuyến dành cho bệnh nhân nội trú được tiến hành. Khảo sát dịch vụ công trong ngành y tế trên bệnh nhân đã ra viện cho thấy tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân chỉ có 79%, như vậy nghĩa là còn 21% cần được chăm sóc nhiều hơn” – Cục trưởng Khuê nhắc nhở.
“Xây dựng phác đồ điều trị, xét nghiệm, AMR, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị (trên 7.000 hướng dẫn chuyên môn. Nhiều kỹ thuật cao đã làm được tại các BV như: ghép tim, gan, mổ rô-bốt… Chuyển đổi số mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ, từ chính sách quản lý, thu viện phí, đến chăm sóc, điều trị bệnh nhân…” – BS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Bệnh án điện tử chỉ nằm trong BV, còn Chính phủ điện tử với ngành y có liên quan đến bệnh án nhưng còn có thêm nhiều thứ nằm ngoài BV như nhóm máu, dân số, dữ liệu dân cư...
“Đầu tiên vẫn phải là nhận thức về chuyển đổi số, mục đích của chuyển đổi số là hướng tới phục vụ con người. Phải lấy bệnh nhân làm trung tâm, các giải pháp đều xoay quanh chăm sóc điều trị người bệnh. Chưa bao giờ dữ liệu lại quan trọng như thế đối với ngành y tế. Người Việt mình đang gặp những bệnh gì? Ở độ tuổi nào? Phương pháp điều trị nên thế nào? Phải từng bước thực hiện việc bảo vệ dữ liệu đó, tiến tới kết nối, sử dụng để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh” – Ông Khổng Văn Đông, Trưởng đơn vị kinh doanh Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel nói.
Ông Trương Gia Bình - thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đối thoại về chính phủ điện tử - Ảnh: TB
|
“Tiến lên một bước nữa, số hóa giúp ngành y có thể dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh nhân, lịch sử mắc bệnh để nhanh chóng có biện pháp điều trị tốt nhất. Có công cụ sẽ tầm soát được nhiều bệnh nguy hiểm, đỡ biến chứng, giảm nguy cơ tử vong, hỗ trợ chẩn đoán. Các máy móc hiện đại nhất trong điều trị bệnh đều lưu trữ dữ liệu về bệnh nhân, đây là IoT (Internet vạn vật). Còn blockchain sẽ giải quyết được vấn đề về minh bạch dữ liệu, đảm bảo hồ sơ bệnh án là chính xác, không bị sửa lại” – ông Đông cho biết.
Ông Khổng Văn Đông nhấn mạnh: “Ba mục tiêu của chuyển đổi số trong ngành y là giảm khoảng cách địa lý, giảm chi phí cuộc sống cho bệnh nhân, tăng thu nhập cho bác sĩ; hiện thực hóa quyền lợi của người dân, thể hiện ở mức độ hài lòng về dịch vụ công”.
Ông Trần Liên Việt - Phó Tổng Giám đốc BV Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) - đã chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong BV ở vùng trung du: “Chúng tôi đã triển khai ứng dụng CNTT từ năm 2010, thời điểm đó với nhiều BV đa phần là bệnh án viết tay, chữ bác sĩ đúng là quá xấu, nhiều khi không đọc nổi. Ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã ứng dụng CNTT để khắc phục nhược điểm này, áp dụng các phần mềm Nano - HIS phục vụ trong công tác khám, điều trị và quản lý bệnh nhân, đồng thời kết nối với các hạ tầng thanh toán, lưu trữ, hỗ trợ hội chẩn giải phẫu bệnh, chăm sóc khách hàng, đặt lịch khám chữa bệnh, truyền thông y tế tới người bệnh”.
“BV Hùng Vương là BV vệ tinh của Viện K, chúng tôi triển khai khám chữa bệnh từ xa, kết nối với BV Việt Đức, Bệnh viện K, BV Bạch Mai, BV Phụ sản, BV Nhi Trung ương và nhiều BV lớn khác, chia sẻ dữ liệu để hội chẩn trực tuyến, điều trị thành công nhiều ca bệnh nguy hiểm. Trước kia, BV địa phương không có kỹ thuật viên đọc được kết quả giải phẫu bệnh nên chúng tôi thường phải chuyển file về Hà Nội mất rất nhiều thời gian nhưng giờ đây thì tất cả được scan lên hệ thống dữ liệu, có thể phóng đại tới 40 lần nên các BS từ Hà Nội sẽ dễ dàng đọc được kết quả giải phẫu bệnh, tiết kiệm rất nhiều thời gian chờ đợi, nhanh chóng có phác đồ điều trị cho bệnh nhân” – ông Trần Liên Việt chia sẻ.
Tọa đàm trao đổi về giải pháp chuyển đổi số ngành y chiều 17/9 (Ảnh: TB)
|
Dữ liệu y tế chính là tài nguyên
“AI (trí tuệ nhân tạo) với các trợ lý ảo sẽ không còn hạn chế thời gian khám chữa bệnh, không gian cách trở, giúp đội ngũ nhân viên ngành y đỡ vất vả hơn rất nhiều, truyền được các phương pháp chữa bệnh mới mẻ và hữu dụng nhất đến các vùng sâu, vùng xa” – Ông Khổng Văn Đông phân tích.
“Thực tế ảo trong y học cũng là một ứng dụng tuyệt vời, có thể tiếp đón bệnh nhân bằng công nghệ, giảm giờ làm cho nhân viên ngành y” – Vị đại diện Viettel chia sẻ.
Có mặt tại Hội nghị, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank chia sẻ về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với các phần mềm đơn giản, tiện dụng, quét mã QR code, tích hợp thẻ khám bệnh và thẻ tiêu dùng có thể sử dụng được ngay tại các ki-ốt trong BV, được bảo mật độc lập, đã triển khai với BV Đại học Y Dược TP.HCM và BV Bạch Mai (Hà Nội).
“Tất cả các giải pháp chuyển đổi số này đều nhằm giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm nhân công nhân lực của BV, bảo mật dữ liệu bệnh nhân, chuẩn hóa dữ liệu tiến tới kết nối giữa Bộ Y tế và chuỗi ngân hàng để giảm thiểu chi phí kết nối dữ liệu; giúp bệnh nhân sử dụng được dữ liệu của mình tại nhiều địa điểm, nhiều hệ thống” - ông Trần Công Quỳnh Lân nói.
“Tất cả các ngân hàng đều đang phát hành thẻ chip, thay thế cho hệ thống thẻ cũ. Trong khi đó, Bộ Công an cũng chuẩn bị thay toàn bộ chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân gắn chip. Thực hiện đơn lẻ như vậy là lãng phí, người dân lại phải sử dụng nhiều thẻ chip, nên liên thông dữ liệu sẽ tiết kiệm nhất” – Ông Lân nói.
Ông Lý Đức Đoàn - Giám đốc FPT Digital Healthcare Center phát biểu: “Chúng tôi rất thông cảm với các chia sẻ của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê và cũng coi những phát biểu của ông Khổng Văn Đông – đại diện Viettel như một lời đặt hàng, để tiến tới có thể mang lại những sản phẩm sử dụng tốt nhất dữ liệu trên nền tảng số phục vụ ngành y, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt”.
“Có ba vấn đề nổi trội là độ phức tạp của dữ liệu số hóa trong y tế cao hơn các ngành khác. Hơn 80% dữ liệu y tế là phi cấu trúc, lớn hơn dữ liệu các ngành khác, nằm ở nhiều chỗ khác nhau, thậm chí còn chưa được “nói chuyện” với nhau. Vậy, phải sử dụng mô hình nào để tập trung, kết nối, và phát triển phương pháp khám chữa bệnh trên nền tảng số với mục tiêu là giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp?” - Ông Lý Đức Đoàn đặt vấn đề.
Ông Đoàn nói: “Từ năm 2014-2015, chúng ta đã thực hiện được việc kết nối thanh toán bảo hiểm y tế trên nền tảng số, việc mà trước đó tưởng chừng không thể làm nổi. Bây giờ, trong toàn bộ các BV của chúng ta đã có khối dữ liệu khổng lồ đó. Cứ đi rồi sẽ thành đường, ban đầu là đường nhỏ, sau mới thành xa lộ thông tin, dữ liệu lớn” – Ông Đoàn nhấn mạnh.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê và các khách mời tham gia tọa đàm trao đổi về chính phủ điện tử & giải pháp chuyển đổi số ngành y (Ảnh: TB)
|
“Tôi thấy chuyển đổi số có 2 khía cạnh: một là số hóa, hai là dịch chuyển – thay đổi tư duy, thay đổi cách thức hoạt động để xây dựng y tế thông minh. Khai thác kho dữ liệu ngành y có thể hỗ trợ gửi cảnh báo dịch bệnh đến người dân, cảnh báo các phòng khám không an toàn, khám chữa bệnh từ xa hoặc khám chữa bệnh tại các trạm y tế cơ sở tại xã, phường, quận huyện nhưng bác sĩ có kết nối với tuyến trên, sử dụng dữ liệu trên nền tảng số để khám, chữa bệnh. Sử dụng thế mạnh CNTT vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa đỡ thời gian chờ đợi cho người bệnh, đồng thời đảm bảo giãn cách xã hội trong thời gian đối mặt với dịch bệnh COVID-19” – Ông Lý Đức Đoàn khái quát.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu