Các địa phương nên làm gì để người dân được hưởng lợi từ chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Để khai thác thông tin tối ưu từ Bộ chỉ số Chuyển đổi số nhằm phục vụ quản trị - điều hành, các địa phương cần xem xét và xác định bộ chỉ số lõi thay vì triển khai dàn trải, “chạy đua thành tích”.

Các địa phương cần có bộ chỉ số lõi để tập trung triển khai chuyển đổi số.
Các địa phương cần có bộ chỉ số lõi để tập trung triển khai chuyển đổi số.

Đây là những nhận định của ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tại Hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh và quốc gia. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Đánh giá về Bộ chỉ số mới khi khảo sát tại các địa phương, ông Nguyễn Quang Đồng cho biết: “Với bộ chỉ số quy mô lớn, các địa phương thực tế không đủ sức thu thập hết dữ liệu cho tất cả các tiêu chí liên quan. Đối với từng địa phương, tôi cho rằng cần tập trung vào những chỉ số thiết thực, căn cứ vào phát sinh thực tế, đủ để phản ánh tình trạng chuyển đổi số ở địa phương”.

Theo đại diện IPS, chính tư duy “dàn hàng ngang” khiến nhiều địa phương bị giảm hiệu suất khi so sánh tương quan số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và các hồ sơ trực tuyến (HSTT) xử lý trong năm. Nêu ví dụ ở Nghệ An, tỉnh có nhiều DVCTT nhưng số HSTT phát sinh thấp, dẫn đến tình trạng đánh giá hiệu quả kém. Điều này xuất phát từ cách làm dàn trải, không ưu tiên những dịch vụ công phát sinh nhiều hồ sơ nhất tại địa phương.

Ông Nguyễn Quang Đồng đánh giá: “Do đặc thù khác nhau, việc triển khai chuyển đổi số tại mỗi địa phương nên xuất phát từ nhu cầu thực tế. Điểm hạn chế của bộ chỉ số này là không giúp phản ánh ưu tiên của địa phương khi tiến hành chấm điểm”.

ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông
ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông

Trao đổi nhanh với phóng viên VietTimes, Viện trưởng IPS nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để nâng cao hiệu suất dữ liệu đầu vào/đầu ra là giải quyết bài toán chọn thứ tự ưu tiên cho các chỉ số, không nên dàn trải, áp đặt đối với mọi địa phương. Theo góc tiếp cận đó, các địa phương nên bàn bạc xem xét, lập nhóm làm việc với các sở, ban, ngành để nắm được những yếu tố trọng tâm. Từ đó mới xác định bộ chỉ số lõi cho địa phương để ưu tiên khai thác, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, giảm tải các chỉ số không cần thiết”.

Đưa ra khuyến nghị cho vấn đề này, Viện trưởng Nguyễn Quang Đồng đề xuất phân định mức độ ưu tiên và quy mô áp dụng tại từng địa phương khác nhau, từ đó đưa ra chỉ số phù hợp. Đồng thời, chính quyền sở tại nên thành lập các tổ chuyên gia phân tích tình hình và xu hướng phát triển, nhằm đóng góp ý kiến, đề xuất danh mục chỉ số ưu tiên phản ánh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương. Thông qua kết quả tính toán hiệu suất tại các địa phương, chuyên gia sẽ nắm được mức độ hiệu quả để đưa ra điều chỉnh phù hợp. Theo đó, địa phương có thể chọn đầu tư vào dịch vụ quan trọng, giảm tải dịch vụ không cần thiết.

Khi xác lập danh mục các chỉ số ưu tiên cho từng địa phương để thu thập dữ liệu theo thời gian thực, dữ liệu đầu ra chỉ cần hệ thống hóa và phân loại, phục vụ khai thác. Những dữ liệu này có giá trị sử dụng cao trong công tác lập kế hoạch, quản lý, điều hành tại từng địa phương.