Chuyển đổi số giúp EVNCPC trở thành “bạn đồng hành”của khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) về các giải pháp chuyển đổi số mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Trong khuôn khổ Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2020, EVNCPC vượt qua hàng trăm doanh nghiệp để được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc.

Năm nay, theo kết quả mới nhất từ Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022, EVNCPC lại được vinh danh với giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng”.

Để rõ hơn những giá trị từ hoạt động chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).

Chuyển đổi số giúp EVNCPC trở thành “bạn đồng hành” của khách hàng

- Với những nỗ lực của mình, năm 2020, EVNCPC đã được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam với danh hiệu là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm. Và năm 2022, giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng” tiếp tục được vinh danh. Bà có thể cho biết, hoạt động chuyển đổi số đã đóng góp thế nào cho công tác quản lý điều hành và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp?

Bà Lê Thị Phương Cẩm: Năm 2020, EVNCPC được vinh danh là “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”. Riêng giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng”, EVNCPC mới đăng ký tham dự năm 2022 và đã đoạt giải.

Có thể nói, các sản phẩm chuyển đổi số của doanh nghiệp đã tiếp tục đóng góp vào sự thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa làm việc, quản lý điều hành của các doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và chấp nhận các thất bại từ đó thúc đẩy phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

- Bà có thể chia sẻ về vai trò, cũng như ý nghĩa của ứng dụng “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng” đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thưa bà?

Bà Lê Thị Phương Cẩm: EVNCPC đã thai nghén và xây dựng giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng sử dụng điện” từ năm 2013.

Đầu tiên là chúng tôi sản xuất công tơ điện tử cho khách hàng và đến năm 2014 thì chúng tôi đã lắp đặt 100% công tơ điện tử và đo xa tại huyện đảo Lý Sơn. Đây là huyện đảo đầu tiên của khu vực miền Trung được cấp điện bằng điện lưới quốc gia và chúng tôi không có nhân viên để đi ghi chỉ số ở từng công tơ một mà bằng công tơ điện tử này, số liệu được truyền đến hệ thống của chúng tôi. Với dữ liệu này, chúng tôi đã cung cấp trở lại cho khách hàng.

Tiếp đó, với dữ liệu này, bằng việc phân tích hệ thống, chúng tôi đưa ra những cảnh báo về sự cố, chạm chập, tư vấn cho khách hàng sử dụng điện một cách hiệu quả, góp phần tiết kiệm không chỉ cho khách hàng mà tiết kiệm cho cả ngành điện là không phải đầu tư quá lớn để đáp ứng nhu cầu cao trong giờ cao điểm.

Ứng dụng EVNCPC CSKH trên di động do Điện lực miền Trung xây dựng và phát triển nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho người dùng điện
Ứng dụng EVNCPC CSKH trên di động do Điện lực miền Trung xây dựng và phát triển nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho người dùng điện

- Bà vui lòng chia sẻ những giá trị từ giải pháp mang lại cho doanh nghiệp và khách hàng?

Bà Lê Thị Phương Cẩm: Có thể nói giải pháp đã làm lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm.

Bên cạnh con số này, giải pháp đã đem lại rất nhiều lợi ích khác. Trước tiên, khách hàng được lợi rất nhiều, đó là họ được cung cấp thông tin đầy đủ, trên nhiều nền tảng, muốn xem lúc nào cũng được. Thứ nữa là khách hàng có thể phát hiện sớm những sự cố xảy ra bất thường thông qua các thông tin cảnh báo trước của ngành điện từ ứng dụng và phối hợp với ngành điện trong kiểm tra, khắc phục. Thứ ba là khách hàng được tư vấn sử dụng điện tiết kiệm hơn, khách hàng có thể chuyển dung lượng sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, từ đó giúp khách hàng giảm được chi phí mua điện.

Còn đối với ngành điện, chúng tôi đánh giá là chúng tôi cũng được lợi rất nhiều. Đó là được lợi về nhân công, tăng năng suất lao động, giảm lượng người đi ghi chỉ số công tơ, giảm nhân công trong thu thập dữ liệu, nhân công phân tích dữ liệu… vì toàn bộ được xử lý bằng máy tính. Đặc biệt, chúng tôi có được sự hài lòng của khách hàng vì chúng tôi cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và có những cảnh báo kịp thời dành cho khách hàng. Hơn thế nữa, chúng tôi có được sự minh bạch vì dữ liệu được công bố rộng rãi đến khách hàng, lẫn các cơ quan thanh kiểm tra khác.

Ngoài ra, đối với cơ quan chức năng, đối với xã hội… chúng tôi sẽ đóng góp cho cơ quan chức năng nền tảng số liệu thực tế để giúp cho công tác xây dựng các chính sách liên quan, tiến tới sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Không những vậy, với số liệu này, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng một nền tảng số, đây là một trong những chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam

Với những giá trị đem lại từ giải pháp đã khẳng định nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số từ khâu quản lý vận hành cho đến công tác dịch vụ khách hàng. Đó cũng là kết quả minh chứng cho sự chuyển đổi hiệu quả của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, hội nhập và đáp ứng không ngừng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Chuyển đổi số gắn với cung cấp nền tảng quản lý toàn diện về năng lượng

- Vậy những định hướng phát triển của các ứng dụng này trong thời gian tới của EVNCPC như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Phương Cẩm: EVNCPC sẽ tiếp tục phát triển giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng” theo 3 định hướng chính. Một là khai thác dữ liệu đo đếm, tiến hành phân tích sâu và tiếp tục tư vấn cho khách hàng tốt hơn nữa, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Hai là khai thác công nghệ AI, Big data để dự báo phụ tải theo từng khu vực, từng nhóm khách hàng, góp phần xây dựng quy hoạch mạng lưới điện phù hợp với từng khu vực; đóng góp số liệu cho EVN và Bộ Công thương trong việc xây dựng cơ chế Điều chỉnh phụ tải, sử dụng điện hiệu quả.

Và thứ ba là ứng dụng định hướng tiến tới tích hợp các hệ thống năng lượng của khách hàng qua đó cung cấp cho khách hàng một nền tảng quản lý toàn diện về năng lượng.

Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) sẽ diễn ra ngày 09/10, tại Hà Nội

Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) sẽ diễn ra ngày 09/10, tại Hà Nội

- Là doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, theo bà, doanh nghiệp cần có chính sách và sự đầu tư như thế nào về góc độ thể chế cũng như góc độ doanh nghiệp?

Bà Lê Thị Phương Cẩm: EVNCPC nhìn nhận công tác chuyển đổi số là quá trình hoàn thiện liên tục các bước: nhận thức số, môi trường số và chuyển đổi số.

Về nhận thức số cần được tiếp tục quan tâm cũng cố thông qua các hoạt động đào tạo, hội thảo để đảm bảo nhận thức chuyển đổi số luôn được cập nhật và phù hợp với định hướng, mục tiêu chuyển đổi số cũng như công tác chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ Tổng công ty đến đơn vị.

Cần tăng cường nâng cao nhận thức ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ. Khuyến khích cán bộ công nhân viên đưa ra các ý tưởng để tháo gỡ các vướng mắc, cải tiến các hệ thống phần mềm để ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về môi trường số cần liên tục rà soát, đánh giá mức độ số và chuyển dịch các bước thực hiện thủ công lên môi trường số để hoàn chỉnh chuỗi nghiệp vụ trên môi trường số.

Về chuyển đổi số cần tăng cường khai thác tối đa dữ liệu trên các hệ thống sẵn có để tự xây dựng các biểu mẫu, báo cáo định kỳ, đột xuất. Từ kết quả đo lường các bước thực hiện trên môi trường số, dần dần cải tiến liên tục quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành tốt hơn.

Clip: Bà Lê Thị Phương Cẩm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) chia sẻ về các giải pháp chuyển đổi số mà doanh nghiệp đang theo đuổi

- Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam?

Bà Lê Thị Phương Cẩm: Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Giải thưởng tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Giải thưởng tạo sân chơi cho các đơn vị, cá nhân tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số. Góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, phát triển kinh tế số góp phần thực hiện thành công Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và hội nhập quốc tế thành công.

Không nằm ngoài xu thế đó, EVNCPC vinh dự được tham gia và đạt giải thưởng, hy vọng có thể đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Xin cảm ơn!