Theo WB, là một nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, ước tính ban đầu cho thấy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%.
Trong giai đoạn 2015 - 2035, TPP có thể tích lũy thêm 8% cho GDP thực, 17% cho xuất khẩu thực và tăng vốn cổ phần của đất nước thêm 12%,
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh, có ba vấn đề Việt Nam cần cải cách mạnh hơn nữa.
Đó là hạ tầng giao thông và tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường phát triển ngành dịch, và cuối cùng là giải quyết những hạn chế về môi trường kinh doanh mà khu vực tư nhân trong nước phải đối mặt.
Bất thường
Bàn sâu về vấn đề thứ ba, đại diện WB cho rằng cần phải xem xét tại sao kinh tế phát triển nhưng năng suất lao động của khu vực tư nhân lại có xu hướng giảm.
Nếu nhìn vào quy mô 94% các công ty của Việt Nam thuộc loại nhỏ, có chưa đến 50 lao động thì khó có thể tận dụng được kinh tế quy mô, song những công ty có quy mô trên 300 lao động năng suất còn thấp hơn nữa, và đó là điều bất thường, ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.
Một điểm nghẽn mà theo WB nếu không cải cách thì doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển được, đó là cần tự do hóa một số thị trường, trong đó có thị trường có yếu tố sản xuất như vốn và đất đai.
Tiếp nữa là cần tăng cường cải cách thị trường trong nước, bởi doanh nghiệp rất cần tính minh bạch và ổn định trong chính sách. Chính sách thì tốt nhưng việc thực thi chính sách là vấn đề khác, vị chuyên gia của WB bình luận.
Vẫn theo ông Sandeep Mahajan thì tại Việt Nam thường nghe nói rất nhiều về sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Nhưng, “chưa bao giờ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có sự bình đẳng”.
“Những công ty có mối quan hệ tốt thì có thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng đáng buồn là công ty có quan hệ tốt lại không hẳn có năng suất cao nhất, và vốn lại đổ vào ngành có năng suất không cao như ngân hàng hay địa ốc”, vị chuyên gia của WB nói.
“Phát triển dồn ép”
Chỉ có hai tham luận mang tính đề dẫn, trong đó một là của WB, chính là thay đổi lớn của diễn đàn lần này.
“Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam: Thách thức và cơ hội cho tăng trưởng” là tiêu đề bản tham luận đứng tên WB.
Tại đây, WB nhận định, Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.
Thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị, rời bỏ nông nghiệp để đến với công nghiệp và dịch vụ. Hiện tượng này đặc biệt không chỉ bởi mức độ hay cường độ sức ép đối với thời gian để phát triển theo tiêu chuẩn trước kia mà còn vì sức ép của quá trình phát triển.
Khái niệm này, vì thế bao gồm cả tốc độ phát triển và khía cạnh cấu trúc, để giải thích đặc điểm phát triển muộn của Việt Nam, bản tham luận dẫn dắt.
Dưới góc nhìn của WB, trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, cũng như trong các biện pháp chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp.
Trong quá trình “phát triển dồn ép”, vai trò điển hình lý tưởng của nhà nước đã thay đổi từ lên vai trò lên kế hoạch và chỉ huy của nhà nước phát triển sang vai trò hỗ trợ, linh hoạt và sáng tạo hơn. Ngày nay, một nhà nước phát triển phải đặt câu hỏi họ phù hợp với vị trí nào, bên cạnh việc làm cách nào để phát triển.
Điều này đòi hỏi đánh giá tinh tường về thể chế, năng lực công nghiệp và nhân sự trong mối quan hệ với thể chế, năng lực và nguồn lực toàn cầu, WB khuyến nghị.
Theo TBKTVN