Đó là một trong những nội dung được trao đổi tại buổi tọa đàm với chủ đề Công nghệ số, Chuyển đổi số trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức tại TP.HCM cách đây vài ngày.
Tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA kiêm Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà nền tảng phát triển là Công nghệ số đang hình thành xu hướng chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực. Ở Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban và nhiều Bộ trưởng các Bộ là Ủy viên Ủy ban quan trọng này và thời gian ngắn sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết mới về Chính phủ điện tử để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Bên cạnh đó, “chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực như: tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế, giao thông, nông nghiệp... Bộ TT&TT đang chuẩn bị xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, sẽ trình phê duyệt và thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi ngành, lĩnh vực, để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới”, Chủ tịch Hội Truyền thông số nhấn mạnh.
Ông cho rằng, trong bối cảnh ấy, Hội Truyền thông số Việt Nam, Phòng Thương mại của Công nghiệp Việt Nam, Viện CNPM&NDS Việt Nam và Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tọa đàm “Công nghệ số, chuyển đổi số tại Việt Nam trong CMCN4.0” là việc làm hết sức có ý nghĩa. Đây là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh về phương thức phối hợp, hợp tác trong tình hình mới, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số. tọa đàm cũng dành thời gian giới thiệu về “Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam” năm 2018.
Đồng thuận với các nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, các diễn giả đến từ VCCI, Hội tin học TP.HCM cho rằng, ngoài vấn đề cơ chế, thì doanh nghiệp cần chủ động phát triển công nghệ số, chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng hiện nay.
Cùng với đó, tọa đàm đã làm rõ việc thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là Công nghiệp 4.0), gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo...
Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu..., việc vận dụng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất kinh doanh cũng sẽ mang đến cho Doanh nghiệp không ít cơ hội lẫn thách thức.
Các nội dung tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của người tham dự.
|
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam đã có những chia sẻ ý nghĩa và tầm quan trọng của Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2018 là giải thưởng thường niên của VDCA nhằm tôn vinh, trao tặng cho đơn vị, cá nhân đã có sự xuất sắc và đổi mới trong việc cung cấp hoặc ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm của khách hàng góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Giải thưởng bao gồm 02 hạng mục trao cho 02 nhóm đối tượng:
Hạng mục 1: Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tiêu biểu nhằm tìm kiếm, tôn vinh đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT sở hữu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tiêu biểu, hướng đến giải quyết các vấn đề, nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, bao gồm có 6 giải.
Hạng mục 2: Ứng dụng công nghệ số xuất sắc nhằm tìm kiếm, tôn vinh đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường làm việc, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, bao gồm 06 giải.