Hậu quả của việc này không chỉ thất thoát tài nguyên, thuế, mà trật tự an toàn giao thông rối loạn, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng…
Lách luật
Người dân các xã Hoà Phú, Hoà Nhơn, Hoà Phong… (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) liên tục kêu cứu đến báo chí vì vấn nạn xe tải chở đất san nền, đất sét sản xuất gạch, lao ầm ầm cả ngày đêm, cày nát đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường và đe doạ an toàn giao thông trên tuyến ĐT604 và QL14B.
Lần theo khiếu nại của dân, chúng tôi té ngửa trước hiện trường công trình khai khoáng công khai tại thôn Hoà Phước (xã Hoà Phú). Tại đây có 2 vị trí khai thác. Trong đó, một công trình đào đất đồi cung cấp vật liệu san lấp cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một nơi đào đất ruộng để bán vật liệu sản xuất gạch.
Các doanh nghiệp dùng xe vận tải loại 7 - 10 tấn, nhưng số lượng xe lớn, cường độ vận chuyển dày đặc. Từng đoàn xe nối đuôi nhau, cày nát tuyến đường vốn đông đúc và xuống cấp này.
Từ năm 2013, khi hàng ngàn nông dân Đà Nẵng phải đi thuê từng mét đất để canh tác tại các khu đô thị bị bỏ hoang, các dự án treo, thì chính quyền huyện Hoà Vang cho phép hàng loạt các doanh nghiệp, các hộ dân lập hồ sơ “cải tạo đất sản xuất”, thực chất là đào ruộng để bán vật liệu cho các nhà máy gạch, bạt đồi để bán đất san nền công trình.
Trước tình hình khai khoáng trái phép, trá hình dưới hình thức “cải tạo” này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ra chỉ thị (số 16/CT-UBND ngày 13/11/2013), tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó siết chặt các quy trình thăm dò, khai thác, cấp phép cũng như cấm việc cải tạo đất trá hình. Đặc biệt, giao Sở Tái nguyên - Môi trường quyền giám sát nghiêm ngặt, tham mưu trực tiếp từng trường hợp khai khoáng, cải tạo đất cho UBND thành phố…
Có chuyện ký... chạy hưu?
…Thế nhưng, trước lúc nghỉ hưu 1 ngày (ngày 29 và 30/12/2014), chính ông Văn Hữu Chiến đã ký hàng loạt các văn bản cho phép các điểm “cải tạo” đất trá hình để khai khoáng, cho phép các doanh nghiệp vận chuyển đất “cải tạo” này để bán cho các dự án san lấp mặt bằng, làm vật liệu sản xuất gạch tại huyện Hoà Vang.
Chính ông Chiến đã tự mâu thuẫn, làm trái với chỉ thị 16 mà ông đã ký, ban hành trước đó. Bỏ qua việc tham mưu, đề xuất của các sở TNMT, sở Xây dựng… để cho các doanh nghiệp khai khoáng ào ạt, công khai, tàn phá môi trường, gây bức xúc người dân.
Khai khoáng trái phép dưới "lá bài" cải tạo đất tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Giams đốc doanh nghiệp khai khoáng Thịnh Quốc Phong - ông Nguyễn Đức Đăng Khoa - thừa nhận đã ký hợp đồng bán vật liệu san nền cho dự án đường cao tốc trong thời gian 4 tháng, sản lượng gần 100.000m3 với mức giá 1 tỷ đồng cho 20.000m3. Khai thác trong 4 tháng, ông Khoa đoan chắc việc khai khoáng có phép.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, thì sở này hoàn toàn chưa tham mưu thành phố cấp phép cho doanh nghiệp này khai khoáng, hoặc cải tạo đất tại Hoà Phú. Danh mục quản lý cũng không có tên doanh nghiệp Thịnh Quốc Phong.
Tương tự, doanh nghiệp Thịnh Phú Lâm đang đào ruộng, bán vật liệu cho nhà máy gạch cũng ngoài tầm quản lý của ngành Tài nguyên môi trường Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang Đặng Phú Hành thừa nhận việc khai khoáng này gây ô nhiễm môi trường, đe doạ an toàn giao thông, dân khiếu nại từ trước tết đến nay. Ngày 9/3, UBND huyện vừa họp dân, các doanh nghiệp khai thác để chấn chỉnh, giao cho công an và thanh tra môi trường giám sát.
Ông Hành cũng cho biết việc cho phép cải tạo đất này là “có vấn đề”: “Theo đúng quy trình, việc khai khoáng hay cải tạo đều phải có sự tham mưu chặt chẽ của Sở Tài nguyên - Môi trường, có đánh giá tác động môi trường, có sự tham gia của Sở Xây dựng để phù hợp quy hoạch. Vị trí các DN đang khai thác nằm trong vùng dự án quy hoạch sân golf Hoà Phong - Hoà Phú… Nhưng các giấy phép này lại không có sự tham mưu của các sở, ngành”. Ông Hành cho biết, sẽ kiểm tra, rà soát để trình thành phố hướng xử lý.
Theo: Báo Lao động