Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt xin từ chức

Tờ VNE dẫn nguồn tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV  Tổng công ty này - vừa có đơn gửi tới bộ GTVT và HĐTV xin từ chức và nghỉ chế độ. Đáng chú ý, so với tuổi nghỉ hưu, ông Thành xin nghỉ chế độ sớm tới 4 năm.
Ông Trần Ngọc Thành từng chia sẻ nhiều tâm tư khi ngành đường sắt chậm triển khai đề án rào chắn đường ngang. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Trần Ngọc Thành từng chia sẻ nhiều tâm tư khi ngành đường sắt chậm triển khai đề án rào chắn đường ngang. Ảnh: Xuân Hoa

Theo VNE, từ giữa tháng 10 có tin Bộ GTVT đã có kế hoạch luân chuyển, điều động ông Thành giữ chức Vụ trưởng - Phó trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ. Thay vào vị trí ông Thành tại Tổng công ty Đường sắt là ông Vũ Anh Minh – hiện đang là Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Ngọc Thành cho biết việc xin từ chức lúc này là để chuyển công tác lãnh đạo cho người khác thích hợp hơn. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có dự kiến bố trí người mới thay thế và ông ủng hô quyết định của tổ chức. "Tôi đã nỗ lực đổi mới ngành đường sắt trong thời gian qua. Song giai đoạn mới cần người khác để có thể giúp ngành thay đổi tốt hơn. Tôi xin lùi lại", ông Thành nói. Vị này từ chối nói về việc bổ nhiệm ông vào vị trí Vụ trưởng - Phó trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông.

Ông Trần Ngọc Thành sinh năm 1960, được Bộ Giao thông Vận tải điều động, bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt từ tháng 4/2013. Trước đó, ông Thành là Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông.

Trong hơn 3 năm công tác tại Tổng công ty Đường sắt, ông Thành được đánh giá là đã góp phần đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ một số đoàn tàu, tái cơ cấu hoạt động vận tải…

Tuy nhiên, ngành đường sắt cũng có nhiều dự án gây tranh cãi như mua tàu cũ của Trung Quốc; góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Các nội dung này đã được Bộ chủ quản và Thanh tra Chính phủ đánh giá sai phạm và yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo doanh nghiệp.