Việc các nhà mạng đẩy mạnh gói cước không giới hạn dung lượng (data) đã cho thấy 3G đang được bình dân hóa tại thị trường. Tuy nhiên, dù được “quảng cáo” tốc độ tốt nhưng “một loại rùa mới” 3G vẫn tiếp tục xảy ra gây nhiều khó khăn cho người dùng khi lựa chọn sử dụng.
Choáng với số lượng các gói cước
Các nhà mạng quảng cáo khi tung gói cước 3G không giới hạn cho người dùng nhưng các gói cước không giới hạn đều có một số MB tốc độ nhất định, sau đó sẽ hạ băng thông về mức bình thường.
Cụ thể, với bốn nhà mạng hiện nay chỉ có ba nhà mạng cung cấp gói cước không giới hạn cho người dùng với hai hình thức Mobile Internet (truy cập Internet trên điện thoại di động) và truy cập Internet trên máy tính với USB 3G. Riêng với hình thức kết nối thông qua USB 3G thì mỗi nhà mạng có một tên gọi riêng cho dịch vụ này như D-Com 3G của Viettel, Fast Connect của MobiFone và EZCom của VinaPhone. Riêng với nhà mạng Vietnamobile, mạng này không phân biệt việc truy cập loại hình, thiết bị và thống nhất một mức chung cho việc truy cập data.
Với Mobile Internet, Viettel có gói cước MiMax với mức giá 70.000 đồng/tháng. Với gói cước này, người dùng sẽ được sử dụng với tốc độ tải xuống/tải lên là 21,2 Mbps/5,76 Mbps cho 600 MB đầu tiên. Nhu cầu cao hơn, người dùng cũng có thể chọn Dmax với 120.000 đồng/tháng cho 1,5 GB dung lượng cao và Dmax200 với 200.000 đồng/tháng cho 3 GB tốc độ cao. Các gói cước trên tiếp tục được truy cập hoàn toàn miễn phí với tốc độ thông thường cho lưu lượng phát sinh. Với các gói thấp hơn, dung lượng phát sinh là 75 đồng/50 KB cho Mimin và 25 đồng/50 KB cho gói khác.
Trong khi đó, MobiFone cũng cung cấp với mức giá tương đương nhưng giới hạn với tốc độ truy cập tối đa là 7,2 Mbps và được gọi với tên MIU. Riêng gói MIU dành cho sinh viên được ưu đãi với mức 50.000 đồng/30 ngày và MobiFone có thêm gói MIU90 với 90.000 đồng/30 ngày cho 1 GB dung lượng tốc độ cao, cũng như gói Zing và Opera với mức 15.000 đồng/30 ngày và miễn phí truy cập tới IP định sẵn. Các gói cước MI cũng tương tự Viettel về cách tính cước vượt mức.
Riêng với hình thức truy cập Internet trên máy tính, Viettel cũng có cước tương tự như MI không giới hạn dung lượng, đặt tên lần lượt là DC70, DC120 và DC200 cho cùng dung lượng, với Mobile Internet. Riêng với các gói DC khác, mức vượt khung là 9,76 đồng/50 KB. Mức cước này cũng tương tự cách tính của MobiFone. Riêng gói FCU (gói cước không giới hạn dung lượng), các gói cước từ MIU cũng như cách tính FCU với năm gói cước FCU70, FCU90, FCU120, FCU200 và FCU300.
Riêng với VinaPhone, ở gói cước không giới hạn dung lượng có ba gói MAX70, MAX100 và MAX200 với dung lượng tương tự như gói MI. Các mức cước khác dung lượng thấp hơn thì có cách tính vượt mức là 200 đồng/MB.
Trong cách tính cước 3G của các nhà mạng, Vietnamobile được xem là đơn giản nhất khi chỉ có hình thức tính cước duy nhất chung cho cả Mobile Internet và USB 3G. Người dùng USB có thể hưởng cước khá rẻ với ba gói USB20, USB50, USB100 tương đương 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng cho 30 ngày với dữ liệu là 1 GB, 5 GB và 10 GB. Tất cả SIM này đều dùng được cho Mobile Internet và nếu dùng gói N1 với giá 10.000 đồng/tuần, bạn sẽ được miễn phí truy cập khung giờ 1-7 giờ sáng hằng ngày. Mức cước vượt khung của Vietnamobile áp dụng là 75 đồng/15 KB.
Không giới hạn cũng như không
Đánh vào tâm lý khách hàng là yếu tố rẻ, tốc độ nhanh, các nhà mạng đã xem gói cước không giới hạn lưu lượng như là một điểm nhấn khi cung cấp cho khách hàng. Lượng người dùng ồ ạt sử dụng gói cước này tăng nhanh là điều được dự đoán trước, thực sự người dùng có sử dụng đúng tốc độ hay không vẫn là dấu hỏi.
Anh Ngọc Huy, quận Tân Phú, một người sử dụng gói cước 3G không giới hạn Viettel với chi phí 70.000 đồng/tháng, cho biết thực tế các gói cước 3G hiện nay ghi là không giới hạn nhưng gần như gói cước sau khi sử dụng hết tốc độ nhanh thì không còn dùng được. “Thực tế sau khi hết dung lượng cao thì hầu như việc lướt web là vô vọng; không thể load ảnh trang web và tình trạng báo không load nổi trang web là chuyện thường. Việc kiểm tra lưu lượng ở giai đoạn dung lượng cao cũng không thể xác định vì tôi lướt web chỉ khoảng 2-3 ngày là hết mà không biết là nhà mạng có trừ đúng không”.
Không chỉ anh Huy, nhiều người dùng di động đang rất đau đầu với các gói cước có thời hạn. Theo đó, một người dùng trung bình chỉ có thể sử dụng cao lắm là một tuần trong việc sử dụng tốc độ nhanh với gói cước không giới hạn gói thấp nhất.
“Tôi chọn gói cước theo ngày để có tốc độ ổn định. Vì với các gói cước không giới hạn dung lượng, khi hết dung lượng tốc độ cao, nhà mạng chuyển băng thông về 2G và việc truy cập sẽ rất chậm” - anh Phạm Thành Phước, một người dùng 3G tại tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
Trên nhiều diễn đàn, nhiều thành viên cho rằng nhà mạng nên quy về một mối, đừng đưa quá nhiều gói cước để gây rối cho người dùng khi mà những gói cước có thể sử dụng không chỉ trên điện thoại mà vẫn có thể dùng trên USB 3G.
Hầu hết thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng) đều có phần đo lưu lượng sử dụng bao gồm tải lên, tải xuống. Do đó để chọn chính xác gói cước thực sự ở tốc độ 3G, người dùng nên tham khảo con số này để có cách chọn gói cước thích hợp cho hình thức Mobile Internet. Với loại hình truy cập Internet trên máy tính, nên tận dụng WiFi để hạn chế tối đa lưu lượng tải lên và về trong quá trình sử dụng. Tùy theo nhu cầu sử dụng, người viết xin đưa ra những tư vấn nhỏ nhằm giúp bạn đọc hiệu quả hơn khi sử dụng gói cước 3G thực sự và 3G trá hình.
- Sử dụng cho nhu cầu thông thường: Nên chọn gói cước như thông thường để có tốc độ tốt và tiết kiệm thời gian.
- Sử dụng mức cao cho nhu cầu thông thường: Nên chọn gói cước không giới hạn lưu lượng.
- Người hay đi công tác thường xuyên: Nên chọn gói 3G thực sự, mức cước tính cho phần này sẽ không quá 1.000.000 đồng/chu kỳ cước. Gói cước sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn khi sử dụng data. MobiFone và VinaPhone là ứng cử viên được chọn.
Với những đối tượng khách hàng riêng biệt, hầu hết nhà mạng đều có rất nhiều gói cước tùy theo nhu cầu dữ liệu sử dụng, người dùng có thể tham khảo trước trên trang web trước khi lựa chọn.
_________________________________________
Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc thương hiệu Mobiistar:
Nhà mạng gây rối về gói cước
Với những gói cước 3G có giới hạn, người dùng có cơ hội sử dụng 3G với chi phí vừa phải so với những nước xung quanh. Tuy nhiên, sau khi vượt hạn mức ấn định, người dùng muốn sử dụng 3G trong khi chờ chu kỳ mới thì phải đổi qua các gói cước khác. Việc này gây bối rối cho khách hàng và có khi gây phát sinh cước ngoài ý muốn rất nhiều. Điều này dẫn đến họ nghĩ rằng 3G quá cao so với nhu cầu thực tế phải trả.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Apple kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT Retail:
So về tốc độ thì cước ở Việt Nam không rẻ
Cước 3G của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với 3G trong khu vực. Tôi đã đi công tác tại Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan, mới thấy 3G của họ thật sự vượt trội về tốc độ và cước. Riêng về các dịch vụ roaming nước ngoài thì giá cước rất cao. Thực tế khi đi nước ngoài phần lớn người dùng phải sử dụng package WiFi của khách sạn vì nếu roaming 3G sẽ không thể kham nổi.
Theo PLTP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu