Phụ huynh nói gì?
Việc Bộ GD&ĐT cho phép học sinh được dùng điện thoại trong giờ học kể từ ngày 1/11/2020 đang thu hút sự quan tâm của dư luận, có nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại.
Chị Võ Thị Quỳnh Châu
|
Chị Võ Thị Quỳnh Châu - phụ huynh đang có 2 con theo học cấp học THCS và THPT ở Đà Nẵng cho rẳng, việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là không nên, vì việc này sẽ gây xao nhãng học tập, mất tập trung vì có em sẽ chat chit suốt cả giờ học hoặc dùng facebook, xem phim....
“Tôi có 2 con là học sinh đang theo học một trường công và một trường tư. Ở trường tư, nhà trường vẫn cho học sinh mang theo điện thoại. Tuy nhiên, điện thoại chỉ được sử dụng đối với những môn học, tiết học cần sử dụng điện thoại để phục vụ học tập, giảng dạy thì học sinh được sử dụng và việc sử dụng này được sự cho phép của giáo viên. Còn các môn không cần sử dụng thì tuyệt nhiên giáo viên không cho phép sử dụng” - chị Châu cho hay.
Cũng theo chị Châu, một người con nữa đang theo học trường công, cháu có đem theo điện thoại để liên lạc với gia đình và tuyệt đối không được sử dụng trong lớp do quy định của nhà trường không cho học sinh sử dụng điện thoại.
“Theo tôi trong thời đại này, nhất là CNTT và internet phát triển, không thể cấm học sinh sử dụng điện thoại được. Ví dụ như các trung tâm anh ngữ nếu không sử dụng smartphone thì các em sẽ khó có thể tra tự điển để tìm từ vựng mới được, cũng xa rồi việc học sinh phải kè kè cuốn từ điển để tra từ vựng, nên việc sử dụng điện thoại thông minh phục vụ học tập là cần thiết. Tuy nhiên, với chủ trương dùng điện thoại cho việc học, buộc phụ huynh phải mua điện thoại thông minh cho các em, đây cũng là một vấn đề nếu gia đình nào đó không có đủ điều kiện kinh tế”- chị Châu chia sẻ.
Anh Huỳnh Thanh Tiến - phụ huynh trú quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho rằng, việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong học tập là điều cần thiết, việc cho học sinh sử dụng không chỉ giúp các em có thể học tập tốt hơn, mà còn giúp các em có kỹ năng tra cứu, tương tác với kho trí thức trên internet rất tốt, nhưng cần có sự hướng dẫn của giáo viên.
“Tôi thấy đây là một chủ trương tốt, tuy nhiên, việc cho học sinh sử dụng điện thoại cần xem xét đến nhiều vấn đề như có thể gây ra xao nhãng việc học như chơi game, dùng nhiều có thể khiến nghiện điện thoại, hay ảnh hưởng đến mắt nếu dùng nhiều. Một vấn đề nữa là kinh tế, nếu quy định được áp dụng, các gia đình phải mua sắm điện thoại cho các em, đây cũng là một khoản không nhỏ. Thêm nữa, các em còn nhỏ, sẽ có tâm lý so bì hơn thua về máy của bạn máy của mình, điện thoại này xịn hơn, đẹp hơn,... sẽ không tốt. Cái này cũng cần xem xét, làm sao dùng thì phải phục vụ tốt hơn cho việc học của các cháu" - anh Tiến chia sẻ.
Tính đến năm 2012, số lượng các trường học trên khắp UK cấm điện thoại di động đã tăng lên 98% (Ảnh: Sky News)
|
Chúng tôi tiếp tục phỏng vấn khoảng 20 phụ huynh có con đang theo học các trường công và trường tư trên địa bàn Đà Nẵng, thì thấy, bên cạnh một số ý kiến lo lắng về những hệ lụy khi sử dụng điện thoại gây ra, đa số ý kiến đồng tình với chủ trương cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong học tập. Việc này nhằm giúp học sinh có thể tương tác với giáo viên trên lớp vì thực tế hầu hết các học sinh TP đều sở hữu điện thoại thông minh. Việc sử dụng điện thoại cần xem xét ở lứa tuổi, cấp học và môn học và không nên lạm dụng, đồng thời, cần có biện pháp giám sát, hướng dẫn học sinh sử dụng đúng mục đích.
Cần có biện pháp giám sát đảm bảo hiệu quả
Thầy giáo Đặng Ngọc Lam – Hiệu trường trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, đây là một chủ trương tốt, nhưng điều cần nhất là phải kiểm soát được việc sử dụng và mục đích sử dụng điện thoại của các em trong học tập và các hoạt động ở trường.
Thầy giáo Đặng Ngọc Lam – Hiệu trường trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, Đà Nẵng)
|
Cũng theo thầy Lam, trước khi ban hành Thông tư 32 thì không cho học sinh sử dụng điện thoại, nhưng với thông tư mới này việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại được hiểu là để phục vụ cho việc học tập.
“Tôi nghĩ sau này sẽ có hướng dẫn thực hiện chủ trương này một cách cụ thể. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị thông minh di động để phục vụ học tập là quá tốt, nhất là trong bối cảnh hiện nay” – thầy Lam nói.
“Chúng ta cứ nói đến Cách mạng công nghiệp 4.0, học tập trực tuyến qua mạng nhưng lại không cho sử dụng điện thoại thông minh trong học tập thì có lẽ sẽ còn nhiều hạn chế. Hay chúng ta tiến tới xây dựng các lớp học thông minh, trường học thông minh thì việc sử dụng thiết bị thông minh di động càng phải được sử dụng. Hơn nữa, với chương trình giảng dạy mới, đòi hỏi việc tương tác của giáo viên và học sinh ngày càng cao thì việc sử dụng phương tiện, thiết bị này là cần thiết và thuận lợi.
Tuy nhiên, việc kiểm soát, hướng dẫn các em học sinh sử dụng thiết bị này như thế nào cho phù hợp và đạt hiệu quả giảng dạy là vấn đề then chốt, tránh việc các em học sinh lợi dụng sử dụng điện thoại vào các mục đích không tốt và không phục vụ cho học tập trong lớp học. Và việc kiểm soát như thế nào thì tùy thuộc vào sự chủ động của mỗi nhà trường, nhận thức của từng giáo viên về việc sử dụng thiết bị này trong công tác giảng dạy, học tập” – thầy Lam chia sẻ.
Thầy Lam cũng cho rằng, việc cho phép học sinh sử dụng thiết bị di động sẽ rất thuận lợi và cần thiết cho các hoạt động dạy học tại trường, dạy học trực tuyến và các hoạt động giáo dục khác từ giám sát dịch bệnh đến kiểm tra, đánh giá học sinh,… Nhưng cũng không nên quá lạm dụng công nghệ, vẫn còn nhiều phương tiện, phương pháp tích cực để dạy và học đạt hiệu quả.
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng - cho biết: “Theo quan điểm cá nhân thì tôi thấy đây là chủ trương tốt và cần thiết. Nếu xem điện thoại di động như các thiết bị thông minh di động phục vụ việc học tập của học sinh thì đây là điều rất cần thiết. Trong thời đại CNTT, internet thì việc sử dụng thiết bị đúng mục đích là rất quan trọng”.
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng
|
Theo thầy Linh: “Việc học sinh sử dụng smartphone để tải tài liệu học tập, tra cứu là rất hữu ích, thông tin tương tác giữa thầy và trò sẽ rất thuận lợi. Vấn đề là chúng ta quản lý việc sử dụng như thế nào, tránh việc sử dụng để học tập nhưng lại làm việc khác, ảnh hưởng đến học tập. Nên vấn đề là cần kiểm soát sao hợp lý, hiệu quả.
Đối với ngành giáo dục TP, hiện tại quy định không cho phép giáo viên sử dụng điện thoại lúc lên lớp để tránh xao nhãng, ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Trong giờ lên lớp, giáo viên phải tuân thủ nhiệm vụ truyền tải nội dung bài giảng đến học sinh nên trong thời gian này, dù giáo viên có đem theo điện thoại, trừ những tình huống đặc biệt và khẩn cấp”.
“Câu chuyện này cũng khá mới, cũng có nhiều quan điểm trái chiều, nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây là chủ trương hữu ích, giúp học sinh học tập tốt hơn. Và chỉ nên áp dụng khi tất cả học sinh trong lớp đều có smartphone, để đảm bảo các em cùng được tiếp cận thông tin bình đẳng như nhau.
Hơn nữa, để có thể triển khai đi vào thực tế, theo tôi nghĩ Bộ GD&ĐT sẽ có hưởng dẫn, quy định cụ thể về vấn đề này cũng như sẽ có chỉ đạo đến Sở GD&ĐT các địa phương” – thầy Mai Tấn Linh chia sẻ.