Đây là một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ” được tổ chức mới đây.
Theo ông Ngô Văn Quý, với nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng CNTT để làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Từ nhận thức tới hành động, thành phố Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước, mạng diện rộng (WAN), Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố. Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin được bước đầu triển khai. Hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của đơn vị.
Đến nay, Thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và trong năm 2016, triển khai 129 dịch vụ công mức 3 trong các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ 30 quận, huyện, 584 xã, phường. Số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phường, xã, thị trấn) đạt trên 70%.
Bên cạnh đó, Thành phố đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh, với các hạng mục cụ thể: Cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi Thành phố Hà Nội - Giai đoạn 2; bổ sung thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS, tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội; triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khác công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025; dự án bãi đỗ xe thông minh...
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, Chính phủ điện tử không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của mọi Chính phủ là phục vụ tốt nhất mọi người dân.
Những giải pháp thiết thực với đời sống dân sinh là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Thành phố, đồng thời luôn được chỉ đạo sát sao như: hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn thành phố; trang bị máy tính và lắp đường truyền cho 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT công lập; chuẩn hoá danh mục dùng chung về thuốc vật tư y tế được Bộ Y tế quy định; thực hiện kết nối trao đổi thông tin qua Cổng dữ liệu y tế; triển khai hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu, đất đai và hồ sơ địa chính của Thành phố và đề xuất phần mềm triển khai cập nhật dữ liệu. Với những kết quả đã đạt được, hiện tại, Hà Nội đang xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT.
Theo bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, “thành phố thông minh” là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.
Và trong một thành phố thông minh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền (hay “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”) sẽ đóng vai trò trung tâm.