Trong một động thái bị xem là nhằm công khai thách thức đối phương, Trung Quốc đã cho tàu hải quân bám sát theo hải đội tàu sân bay Mỹ John C Stennis khi đoàn chiến hạm Mỹ đi qua Biển Đông ngược lên phía bắc tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Ấn Độ. Ngày 15/6, một số sĩ quan chỉ huy Mỹ đã ghi nhận thái độ ngày càng hung hăng trên đây của Bắc Kinh.
Theo báo Mỹ USA Today, khi các chiến hạm Mỹ vừa khởi động cuộc tập trận Malabar cùng với hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tại vùng biển Philippines gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, họ đã gặp một vị khách không mời mà đến: hải quân Trung Quốc.
Các chiến hạm Trung Quốc đã bám sát theo hải đội tác chiến của hàng không mẫu hạm John C. Stennis ngay từ lúc đơn vị này tiến vào Biển Đông tuần tra từ đầu tháng 3/2016 đến nay. Theo phó đô đốc Marcus Hitchcock, chỉ huy hải đội tác chiến của chiếc tàu sân bay Mỹ, trong suốt thời gian ở trên Biển Đông, thì hầu như ngày nào các chiến hạm Mỹ đều nhìn thấy ít nhất là một tàu chiến Trung Quốc, có mặt 24/24 tiếng đồng hồ.
Theo ghi nhận của phía Mỹ, hải quân Trung Quốc đã ngày càng quyết đoán hơn, trái với thời kỳ một vài năm trước đây, và việc bám sát, theo dõi tàu Mỹ đã trở thành thường nhật.
Hải đội tác chiến của tàu sân bay nguyên tử Stennis sắp kết thúc thời gian sáu tháng tuần tra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhóm tấn công này còn bao gồm bốn tàu chiến khác và một tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles.
Theo phó đô đốc Hitchcock, Hải Quân Trung Quốc đã cho tàu bám khá sát hàng không mẫu hạm USS Stennis khi chiếc tàu này hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, có lúc chỉ cách khoảng từ 3 đến 4 dặm.
Ông cho biết một tàu do thám của hải quân Trung Quốc đã bám theo hải đội Stennis tiến vào vùng Biển Philippines từ tuần trước, và ngày 15/6, chiếc tàu này đã hoạt động cách hàng không mẫu hạm Stennis khoảng từ bảy đến 10 dặm khi hải đội Mỹ tham gia cuộc tập trận với Nhật Bản và Ấn Độ trên vùng biển quốc tế.
Hạm trưởng tàu sân bay Stennis, đại úy Gregory Huffman, cho biết tàu Trung Quốc bám theo nhưng không cản trở công việc của hải đội Stennis.
Tuy nhiên, theo ông Jeffrey Hornung, một chuyên gia Mỹ về an ninh Đông Á, thì các "hành vi nói trên của hải quân Trung Quốc không phải là điều mà hải quân Mỹ sẽ làm, và cũng không phải là cách hành xử của một quốc gia tôn trọng luật lệ quốc tế. Có điều là hành vi đó đã trở thành chuẩn mực của Trung Quốc ".