Báo cáo cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần.
Trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65% (giai đoạn 2006-2010 chiếm 55,2%) chủ yếu là tăng chi cho con người, bao gồm cả chi tiền lương và an sinh xã hội; chi đầu tư phát triển giảm mạnh so với các giai đoạn trước từ 30,6% (giai đoạn 2001-2005) xuống 28,2% (giai đoạn 2006-2010) và còn khoảng 23,6% (giai đoạn 2011-2015).
Báo cáo cũng nêu rõ: Cân đối NSNN giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do tác động không thuận từ kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, trong khi nhu cầu chi tăng lớn, dẫn đến bội chi NSNN cao hơn mức Quốc hội cho phép (năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,69% GDP, năm 2015 khoảng 6,1% GDP). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP khoảng 62,2%, nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1% .
Về đầu tư phát triển: giai đoạn 2011-2015, do tác động của suy giảm kinh tế, huy động vốn các thành phần kinh tế khác gặp nhiều khó khăn, cùng với việc thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát, dẫn đến tổng vốn đầu tư phát triển tăng chậm lại và thấp hơn so với tốc độ tăng giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm huy động đạt 5.617,1 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1,8 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP bình quân 5 năm đạt 31,7% (mục tiêu đề ra là 33,5-35%); trong đó: vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 1.206,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,5%; vốn trái phiếu Chính phủ 326,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 279,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5%; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước 500,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9%; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân 2.166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 1.026,2 nghìn tỷ đồng (không bao gồm phần vốn đóng góp trong nước), chiếm 18,3%; các nguồn vốn khác thực hiện 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,0% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Khu vực đầu tư nước ngoài có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tính chung trong 5 năm 2011-2015, tổng số vốn FDI thực hiện (gồm cả phần vốn góp trong nước) đạt 60,5 tỷ USD, tăng khoảng 35,6% so với giai đoạn 2006-2010 và tăng đều qua các năm . Vốn FDI đăng ký trong 5 năm 2011-2015 giảm so với giai đoạn trước. Tính chung cả giai đoạn, tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 99 tỷ USD. Sự giảm sút về vốn FDI đăng ký trong giai đoạn này có nguyên nhân từ việc phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới làm giảm dòng vốn FDI toàn cầu, số lượng những dự án có quy mô lớn giảm mạnh so với giai đoạn trước.
Tuy vậy, theo báo cáo, mặc dù nguồn cung vốn ODA thế giới giảm sút, song nước ta vẫn nhận được sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nhà tài trợ.
Trong 5 năm 2011-2015, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế đạt 27,78 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 26,53 tỷ USD chiếm khoảng 95,5% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,25 tỷ USD chiếm khoảng 4,5%.
Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân giai đoạn đạt 22,32 tỷ USD.
Kéo bội chi NSNN xuống 4% GDP
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 trước Quốc hội sáng nay (21/03), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu mà Chính phủ đề xuất cho cho giai đoạn 5 năm tới là:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD.
Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trọng GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP.
Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 -1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 – 40%.
Hữu Vinh