Thời gian qua, thông tin cho biết cơ quan Thanh tra TP.HCM đã nhận được đơn tố cáo về việc một lãnh đạo Sở TT&TT TP.HCM có sai phạm trong hạng mục thầu, chỉ đạo in ấn tài liệu tuyên truyền "Cẩm nang hỏi đáp về phòng chống dịch bệnh COVID-19” không đúng giá, chênh nhau nhiều tỉ đồng.
Ngoài vấn đề về giá, các vấn đề khác trong Đơn tố cáo cũng cho rằng đã có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách trong quá trình thực hiện "Cẩm nang hỏi đáp về phòng chống dịch bệnh COVID-19". Đơn tố cáo nói trên xuất hiện từ đầu tháng 7/2020.
Trước đó, tài liệu "Cẩm nang hỏi đáp về phòng chống dịch bệnh COVID-19” đã in 5 triệu bản tiếng Việt, 200.000 bản tiếng Anh, 200.000 bản tiếng Trung để tuyên truyền đến người dân thành phố và khách du lịch trên địa bàn thành phố.
Tài liệu phòng chống COVID-19 bị tố cáo có sai phạm trong in ấn (Ảnh: SYT) |
Tại cuộc họp chiều 3/11, đại diện cơ quan Thanh tra TP.HCM xác nhận có nhận được đơn tố cáo với nội dung Sở TT&TT TP.HCM in ấn tài liệu tuyên truyền về COVID-19 không đúng về giá. Thanh tra đã làm việc với một số cá nhân liên quan. Hiện tại, cơ quan Thanh tra thành phố đã thành lập tổ công tác điều tra liên ngành, UBND thành phố cũng đã có văn bản giao Sở Tài chính rà soát giá in ấn để tiếp tục làm rõ vụ việc.
Đại diện Sở TT&TT cho biết về phóng sự điều tra về vụ việc nói trên của báo Phụ nữ TP.HCM, Sở sẽ sắp xếp thời gian làm việc cụ thể với báo.
Mới đây, tại Khách sạn Đệ Nhất, – một trong các khách sạn có khu cách ly dành cho người nhập cảnh trên địa bàn quận Tân Bình đã xảy ra một đám cháy.
Về việc này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Đó chỉ là một đám cháy nhỏ, tại khu vực kho bãi, cách xa nơi các khách đang cách ly. Tuy nhiên cũng gây hoảng sợ, đã có khách bỏ chạy ra khỏi phòng. Đây cũng là một tình huống đã được chúng tôi tập huấn kỹ càng từ trước nên lập tức có phương án di chuyển mấy chục khách đến các khách sạn khác trên địa bàn thành phố. Ngoài số khách đang cách ly tại Đệ Nhất, tối hôm đó cũng có 8 khách nhập cảnh khác đăng ký về cách ly tại khách sạn này song đã được cơ quan chức năng phối hợp đưa về cách ly tại Khách sạn Anh & Em”.
Công tác di dời người dân ở ven sông TP.HCM theo phản ánh đã bị chậm tiến độ và còn nhiều khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, cần xem xét lại tổng thể công tác, cũng như tình hình phân bổ căn hộ và nhà đất liên quan đến dự án di dời, tái định cư.
Về bãi đậu xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông trao đổi, cho biết là các nhà đầu tư không còn quan tâm đến bãi đậu xe này.
Về quy hoạch thành phố sáng tạo phía Đông trên nền tảng thành phố Thủ Đức, lãnh đạo UBND cho biết, từ ngày 15/11 đến hết ngày 25/11, TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân.
Tại cuộc họp chiều 3/11, rất nhiều nội dung "nóng" được báo chí chất vấn lãnh đạo thành phố (Ảnh: TTBC) |
Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc bổ sung ý kiến chuyên môn về thành phố sáng tạo phía Đông: “Đồ án đã chỉ ra 6 trọng tâm đúng tiêu chí của đề bài, có tính toán lại hiện trạng của khu vực chứ không phải là đề xuất hoàn toàn mới, từ đó đề ra quy hoạch có tính khả thi. Cụ thể Sở đề xuất Trung tâm Công nghệ tài chính đặt tại Thủ Thiêm; Trung tâm Sức khoẻ - Thể thao; Trung tâm Giáo dục đặt trên nền tảng Đại học Quốc gia TP.HCM; Khu Trung tâm sinh thái đặt tại Quận 9; Trọng tâm thành phố tương lai – tập trung nhiều hoạt động hành chính của thành phố sáng tạo phía Đông, đặt tại Đảo Trường Thọ”.
Về việc miễn nhiệm, thôi việc với ông Phạm Phú Quốc, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phó Giám đốc Sở Nội vụ - cho biết: “Sở Nội vụ đang tham mưu ý kiến tới lãnh đạo thành phố, xem xét giải quyết đơn xin thôi việc của ông Phạm Phú Quốc”.
Trả lời chất vấn của VietTimes về hiện tượng mưa lớn, triều cường dâng cao, sụt lún nặng nề trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết biến đổi khí hậu càng lúc càng nâng cao, năm sau cao hơn năm trước, tác động rất lớn đến đời sống dân sinh của thành phố. Vấn đề khắc phục sụt lún, chống ngập, triều cường tại TP.HCM là rất lớn, cần cả giải pháp kỹ thuật trước mắt và lâu dài. TP.HCM đang triển khai duy tu hệ thống cấp thoát nước, riêng 10 tháng đầu năm đã nạo vét gần 600.000m3 hệ thống cống.
"Về giải pháp lâu dài, thành phố cũng đang có nhiều nhóm giải pháp; trong đó có các cống ngăn triều từ lưu vực cửa sông Vàm Cỏ vào TP.HCM. Thành phố cùng lúc vận hành 27 trạm bơm công suất lớn, tổng công suất 302.880 m3/h. Cùng với đó là việc vận hành hệ thống cống kiểm soát triều tại Bình Triệu, Bình Lợi, Thị Nghè, Rạch Miễu… Ngoài ra, Thành phố sẽ tiến hành mạnh mẽ hơn giải pháp đồng bộ nâng cao nhận thức trong cộng đồng để cùng tận dụng mọi nguồn lực cộng đồng cùng chống ngập, lụt, sụt lún, bảo vệ hệ sinh thái, khắc phục các vấn đề của vệ sinh môi trường” - ông Nhã nói.