Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày hôm nay (16/3) đưa tin cho biết, trong năm nay, thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ một khối lượng kỷ lục cổ phần doanh nghiệp Nhà nước được chào bán ra công chúng theo định hướng của Chính phủ.
Trả lời PV Bloomberg, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính đánh giá, với khoảng 280 công ty, chủ yếu là các tập đoàn, đây sẽ là một năm kỷ lục về giá trị cổ phần nhà nước chào bán”. Theo ông Tiến, việc công bố danh sách doanh nghiệp cũng như quy mô chào bá sẽ thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa DNNN bắt đầu từ những năm 1990 khi Chính phủ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 6,3% trong năm nay. Tuy nhiên, sự phức tạp của quá trình cổ phần hóa đang cản trở kế hoạch tái cơ cấu các DNNN - vốn là những “con nợ khó đòi” của hệ thống ngân hàng.
Theo nhận định của ông Michel Tosto - Trưởng Bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới của Công ty Chứng khoán Bản Việt, Chính Phủ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tuy nhiên, sự chậm trễ là không thể tránh khỏi khi khung khổ pháp luật hiện tại khiến cho quá trình này bị kéo dài. Và theo ông Tosto thì việc Chính phủ muốn đạt được mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đúng như mục tiêu ban đầu đặt ra là không thể!
Cũng trong cuộc trao đổi với Bloomberg vừa rồi, ông Tiến cho biết thêm, danh sách các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa sẽ được hoàn thành trong tháng này và Bộ Tài chính sẽ công bố ngay sau đó.
Trong năm 2014, có 143 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện bán cổ phần ra công chúng, con số này vẫn chưa đạt so với mục tiêu 200 doanh nghiệp, dù số lượng có tăng gấp đôi so với 2013.
Để đẩy nhanh quá trình này, theo ông Tosto, Chính phủ sẽ phải đơn giản hóa các thủ tục cổ phần hóa. “Rất nhiều thành phần kinh tế cần phải được tham gia vào quá trình này. Chính phủ cần phải đổi mới về thủ tục IPO cũng như thủ tục niêm yết, thêm vào đó là sự định giá một cách hợp lý”.
Về phía Bộ Tài chính, ông Tiến cũng khẳng định, quá trình cổ phần hóa sẽ được thay đổi trong năm nay. Theo đó, các DNNN không nhất thiết phải IPO đầu tiên nhưng cân phải tìm và bán được cổ phần cho những đối tác chiến lược phù hợp – những nhà đầu tư có thể thực hiện cam kết hỗ trợ nhau phát triển một cách lâu dài.
Theo chỉ đạo mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra thì 2015 chính là hạn chót để các DNNN hoàn thành việc thoái vốn ngoài ngành và các ngân hàng đưa tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%.
Các cơ quan điều hành hồi năm ngoái cũng cho biết sẽ thành lập nhóm làm việc bao gồm các đại diện đến từ Bộ Tài chính và hai sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Hà Nội nhằm hỗ trợ các DNNN bán cổ phần ra công chúng thành công.
Trong năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định yêu cầu các DNNN niêm yết khẩn trưởng hơn sau khi đã thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu. Quy định này cũng yêu cầu SCIC đứng ra mua cổ phần của các DNNN nếu như IPO thất bại để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cho DN. Cùng với đó, các DNNN cũng được yêu cầu tích cực thực hiện chào bán cổ phần ở nước ngoài để thu hút nhà đầu tư ngoại – ông Tiến cho hay, đồng thời đánh giá, việc minh bạch hóa các DNNN cũng sẽ giúp thu hút nhiều hơn các NĐT tham gia mua cổ phần.
Mới đây, theo thông tin báo chí, Chính phủ cũng sẽ thực hiện bán cổ phần tại CTCP Bia rượu NGK Sài Gòn (Sabeco) nhằm giảm tỉ lệ nắm giữ từ 90% xuống còn 36%. Đây được coi là nhà sản xuất bia lớn nhất cả nước, tuy nhiên, dù đã IPO từ 2008 nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa được niêm yết trên TTCK VN.
Một “ông lớn” khác là TCT Hàng Không VN (Vietnam Airlines) cũng sẽ tiến hành IPO vào tháng sau, sau một quá trình dài đặt ra mục tiêu cổ phần hóa khoảng năm 2008.
Giám đốc môi giới và kinh doanh tại VPBank Securities nhìn nhận, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề là Chính phủ vẫn chưa biết cách để đưa cổ phần đến đến với thị trường. Và để làm được điều đó, thì bản thân Chính phủ cũng phải “tiếp thị” một cách tốt hơn, từ đó mới thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
Theo Dân trí