Chánh án TANDTC: Không có chuyện cắt điện 30 giây trong phiên xử Châu Thị Thu Nga

VietTimes -- Tại phiên trả lời chất vấn sáng nay, ông Nguyễn Hoà Bình thông tin, Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga khai đã chi tiền cho Hội động bầu cử địa phương để có tên ứng cử và chi cho báo chí viết khi có phóng viên viết về việc bà Nga không đi học mà có bằng tiến sĩ và khẳng định không có chuyện cắt điện 30 giây trong phiên xử bà Nga.

Sáng nay, ngày 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đang trả lời chất vấn đại biểu của Quốc trong buổi sáng. Các nội dung chất vấn là về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao trình độ trình độ, trách nhiệm cán bộ tòa án.

Khó điều tra án tham nhũng vì tội phạm có thủ đoạn, có quan hệ

Trả lời bổ sung chất vấn của các đại biểu Quốc hội về công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay đối với công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng thời gian qua còn một số hạn chế, chưa đạt mong muốn của Đảng, Nhà nước và người dân do nhiều nguyên nhân. Do tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che dấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm nhất định. Thời gian điều tra kéo dài, khó khăn.

Việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài phải liên quan tới hoạt động tương trự tư pháp nên kéo dài...

Các thẩm phán ngại xử án treo

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thảo (đoàn Nghệ An) về dư luận cho rằng tòa án xử án đánh bạc nhẹ, chủ yếu án treo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết xử án treo là một chế định tích cực, đủ điều kiện răn đe phòng ngừa đối với loại tội phạm lấy tiền làm phương tiện phạm tội như đánh bạc, tai nạn giao thông.

Theo thống kê, trên thế giới, tỷ lệ án treo chiếm 60%, còn Việt Nam là 20%. Tỷ lệ án treo tập trung ở các loại án liên quan đến giao thông 46%, án đánh bạc 39%...

Theo Chánh án, Nghị quyết 49 của Đảng có nói đến việc tăng cường các hình phạt án treo, phạt tiền để nâng cao hình phạt không giam giữ. Tuy nhiên, chánh án cho rằng tỷ lệ như vâyh không phải là cao, vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước.

Ông Bình cho biết, qua tổng kết Nghị quyết 01 về xử án treo cho thấy, tâm lý các thẩm phán là ngại xử án treo, mà xử án giam. Việc này dẫn đến tỉ lệ án treo của chúng ta thấp. Các thẩm phán, hộ đồng xét xử ngại xử treo vì sợ dư luận cho rằng có vấn đề gì trong xử án. Hơn nữa, đối với các vụ án xử treo, ngành tòa án sẽ xem xét đầu tiên khi thanh, kiểm tra.

Về chất vấn liên quan tới liệu có tiêu cực trong việc xử nhiều án treo hay không, chánh án TANDTC khẳng định “nếu đại biểu phát hiện vụ án nào tiêu cực, chúng tôi sẽ vào cuộc xử lý ngay”. Theo ông Bình, phiên tòa lưu động có tính răn đe, giáo dục, đặc biệt tại nơi xảy ra vụ án. Nhưng gần đây xét xử lưu động không còn hiệu quả như trước do người dân không cần đến tòa vẫn có thể theo dõi vụ án qua truyền thông. Việc công khai bản án cũng giúp người dân nắm bắt vụ án.

Đồng thời, ông Bình cho biết phiên tòa lưu động phát sinh các yêu cầu khác như không đảm bảo an toàn, tốn kém. Mỗi năm tòa án chi khoảng 70 tỷ, chưa kể kinh phí do địa phương hỗ trợ. Trong khi nguyên tắc tố tụng khẳng định bị cáo chỉ có tội khi có bản án. Việc đưa xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến người thân bị cáo, từ đó dẫn đến sự việc đang tiếc. Dó đó, Chánh án TANDTC yêu cầu Quốc hội dừng xét xử lưu động.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VietTimesChánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VietTimes

4 bài học rút ra từ đại án Hà Văn Thắm

Trả lời chất vấn về đại án Hà Văn Thắm, Chánh án TANDTC cho hay phiên xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm được dư luận đánh giá vao về tính nghiêm minh và nhân đạo. Đây là cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, cử tri mong đợi bài học kinh nghiệm từ vụ Hà Văn Thắm, cải cách tư pháp.

Theo đó, vụ án công khai minh bạch, tranh tụng đến cùng có bản án phân hóa tội phạm. Chánh án TANDTC cho rằng bài học vụ án này có 4 vấn đề.

Thứ nhất, xác định đúng tội danh. Tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất, Tòa đã trả lại hồ sơ để VKS xác định đúng tội danh. Lần thứ hai, VKS đã xác định đúng tội danh.

Thứ hai, việc tranh tụng là công khai, minh bạch, không hạn chế số lượng người tham gia.

Thứ ba, phiên tòa xét xử phân hóa được bản án. Bản án rất nghiêm minh đối với bị cáo đứng đầu và nhân văn đối với những người lần đầu phạm tội và ở mức độ nhẹ, thành khẩn khai báo.

Thứ tư, HĐXX đã làm hết chức năng của mình từ trách nhiệm dân sự đến khởi tố vụ án ngay tại tòa và kiến nghị các cấp xử lý các cán bộ khác.

Không có chuyện cắt điện 30 giây trong phiên xét xử cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga

Liên quan tới chất vấn vụ Châu Thị Thu Nga khai đã “chạy tiền” để vào Quốc hội, Chánh án TANDTC khẳng định không giấu giếm gì. Khi xử vụ án Châu Thị Thu Nga “tòa không cho khai về việc bị cáo chạy tiền vào Quốc hội, còn có thông tin nói lúc đó bị cắt điện 30 giây. Tôi đã cho kiểm tra, báo cáo với Quốc hội là phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì. Thứ hai, hồ sơ vụ án có đầy đủ lời khai của Châu Thị Thu Nga, việc chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra thì theo quy định của luật là được phép. Trên thực tế chúng ta đã tách án rất nhiều. Nếu trong tình tiết mới xuất hiện mà không có quyết định tách án thì hội đồng xét xử phải làm rõ, nhưng khi đã được tách án thì không cần làm rõ nữa. Đây là thông lệ bình thường” – Chánh án TANDTC cho biết.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng thông tin thêm: “Nga khai chi tiền cho cho 2 mục đích là chi tiền cho Hội động bầu cử địa phương để có tên ứng cử và chi cho báo chí viết khi có phóng viên viết về việc bà Nga không đi học mà có bằng tiến sĩ. Cách chi theo lời khai là bà Nga gặp một doanh nhân buôn bán vàng, đưa cho người này nhiều lần có lần 100.000 USD, có lần 200.000 USD... Anh này mang đi đâu làm gì chỉ hai người biết, không có chứng cứ”.

Đồng thời, tại biên bản đối chất, doanh nhân này nói có quen biết Nga nhưng không nhận tiền và không làm việc đó. Cơ quan điều tra tách ra là điều cần thiết. Việc này tòa cũng không thể làm rõ tại tòa. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra. Chúng ta sẽ có phiên tòa công khai khác.

Chánh án TANDTC: Không có chuyện cắt điện 30 giây trong phiên xử Châu Thị Thu Nga ảnh 2

Đã khởi tố bổ sung 3 bị can khác trong vụ Trịnh Xuân Thanh

Về vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Bình nói đầu năm nay Toà đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô.
Cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng đó; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.

Vụ án oan "giết chồng, giết cha" là rất đáng tiếc

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) chất vấn về kỳ án 3 mẹ con 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha dưới chân đèo Pha Đin (Điện Biên) khiến dư luận bức xúc. Trong vụ án này, bà Đặng Thị Nga (80 tuổi) và 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Huy Dương đã bị kết án về tội giết chồng, giết cha.

Cả 3 mẹ con cùng rơi vào vòng lao lý sau 28 năm. Không chịu được nỗi oan ức, người con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiếu đã qua đời, mang theo nỗi oan về tội giết cha. Ngày 24/10/2017, cơ quan tố tụng Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan, hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Ngọc Hải về trách nhiệm gây oan thuộc về cơ quan tổ chức hay cá nhân nào? Trách nhiệm xử lý ra sao?”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là vụ án rất đáng tiếc, xảy ra 27 năm trước.

“Khi được đại biểu Quốc hội chuyển hồ sơ vụ án này, tôi thấy có dấu hiệu oan. Thực chất vụ án này toà tối cao đã hủy từ năm 2003, nhưng huỷ xong để ở cơ quan điều tra đến giờ này không có kết luận cuối cùng.

Khi đại biểu chuyển thông tin, tôi đã tiến hành kiểm tra và căn cứ vào việc trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu có nguyên nhân chết là vỡ sọ, nhưng khi khai quật lần hai thì hộp sọ còn nguyên.

Tôi đã khẳng định đây là vụ án oan và đề nghị Bí thư Điện Biên và lãnh đạo tỉnh quan tâm, cùng với địa phương trong thời gian ngắn họp liên ngành tư pháp trung ương và khẳng định vụ án oan, đồng thời đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi gia đình. 

Công việc tiếp theo là phải bồi thường cho người bị oan”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.

Việc xử lý trách nhiệm cũng được đặt ra, trước hết là 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại hồ sơ và kiểm điểm, xử lý theo quy định ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Còn việc thương lượng bồi thường thì đang diễn ra theo quy định.  

Công khai bản án lên mạng, đảm bảo mã hóa thông tin cá nhân

Tại phiên trả lời chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, vệc công khai bản án trên mạng là việc cần thiết, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo quy định Hiến pháp. Đây là chủ trương thực hiện việc công khai, minh bạch của tòa án, đề cao trách nhiệm của thẩm phán. Qua đây, người dân và cơ quan dân cử cũng có thể giám sát tòa án và là kênh thông tin chúng tôi đánh giá chất lượng thẩm phán.

Đến nay đã công bố hơn 32.000 bản án.

Liên quan đến mối quan tâm đại biểu có ảnh hưởng bí mật đời tư hay không, ông Chánh án cũng thông tin thêm đã ban hành nghị quyết quy định không được công khai một số vụ án về an ninh quốc gia, bản án liên hoan người thành niên. Khi công khai tên người liên quan và một số thông tin cá nhân sẽ được mã hóa.

Chánh án TANDTC: Không có chuyện cắt điện 30 giây trong phiên xử Châu Thị Thu Nga ảnh 3

Có vụ án trả tới trả lui đến 7 lần

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, thời qua có một số vụ, tòa án trả tới trả lui nhiều lần, cá biệt có vụ trả 7 lần. Đến nay, TAND đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan.

Năm 2017, có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần. Trong đó, trả 4 lần là 20 vụ, trả 5 lần có 9 vụ. Vụ trả nhiều nhất là 7 lần đã được xét xử sơ thẩm.

Giải thích về nguyên nhân tại sao vụ án kéo dài, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, trước tiên, do chất lượng điều tra, truy tố. Thời gian hồ sơ nằm ở tòa án theo quy định của luật. Việc kéo dài năm này qua năm khác không nằm ở tòa án, mà ở giai đoạn tiền xét xử.

Ngoài ra, cũng có những thẩm phán không tuân thủ pháp luật, nể nang thiếu bản lĩnh. Theo quy định cũ, VKSND được trả 2 lần, TAND trả 2 lần. Theo quy định mới từ 1/1/2018, TAND trước khi xét xử được trả 1 lần và chủ tọa được trả 1 lần khi xét xử.

Nếu những yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng thì phải tuyên không đủ căn cứ kết tội. Buộc phải nâng cao công tác truy tố xét xử. Chúng tôi quán triệt thẩm phán không trả quá nhiều lần. Nếu không đủ yếu tố kết tội thì phải tuyên không đủ yếu tố kết tội.

Những lần trả hồ sơ, TAND phải ghi rõ yêu cầu điều tra bổ sung. Trước khi nhận, phải kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu bổ sung này.

2,6 triệu lao động bị ảnh hưởng vì DN nợ bảo hiểm xã hội

Đại biểu Trương Thị Bích Hằng đặt ra vấn đề về nợ bảo hiểm xã hội, khi tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện thì các đơn đều bị toà án trả lại, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện có hơn 100.000 đơn vị đang nợ của 2,6 triệu lao động số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.880 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ. Toà án các cấp xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp. 

Chánh án cho hay toà có công văn không thụ lý đơn khởi kiện là do không phù hợp với trình tự tố tụng hiện hành. Cụ thể như đại diện công đoàn không được người lao động uỷ quyền nên thông tin tới toà không chắc chắn, nhiều đại diện công đoàn không có mặt tại toà...

Trước thực tế nợ bảo hiểm rất lớn, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, theo Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự thì sau 1/1/2018, vi phạm nợ bảo hiểm bắt buộc là tội phạm, nếu có vụ án hình sự xảy ra, các cơ quan điều tra vào cuộc thì toà án phải thụ lý, giải quyết. Toà án nhân dân tối cao sẽ có Nghị quyết và được ban hành trước thời điểm Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự có hiệu lực. 

Chánh án TANDTC: Không có chuyện cắt điện 30 giây trong phiên xử Châu Thị Thu Nga ảnh 4Có 54 đại biểu đăng ký chất vấn tại hội trường.

Nội dung chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình do Quốc hội công bố trước đó thuộc nhóm vấn đề thứ 4: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng; Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ chủ trì phiên chất vấn. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Chánh án. Những ý kiến hỏi đầu tiên tập trung vào việc xử lý một vụ án được xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua như vụ Trương Hồ Phương Nga, Hà Văn Thắm. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai hỏi về việc tinh giản biên chế của ngành toà án, đâu là giải pháp để ngành toà án vừa tinh giản biên chế và vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng xét xử.

Đặc biệt, đại biểu Trương Thị Bích Hằng chất vấn việc luật tố tụng dân sự quy định tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài. Tuy nhiên, vừa qua các đơn này đều bị toà án trả lại. Vậy nguyên nhân là gì và phải làm sao để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện – đại biểu Hằng chất vấn.

Khi ông Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Viện trưởng VKSNDTC, các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Bộ Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư.

Đầu giờ sáng 18/11, bên hành lang Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho "Năm 2020 sẽ kết thúc chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Đảng, nhưng tôi nghĩ sau đó vẫn cần tiếp tục đổi mới vì nền tư pháp thế giới tiến mạnh cả về cơ sở hạ tầng pháp lý và việc xây dựng đội ngũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động của ngành", ông Bình cho biết.

Cũng theo Chánh án TANDTC, thời gian qua, khi thực hiện nghị quyết 49 ngành đã làm được nhiều việc. Trước hết là xây dựng hạ tầng pháp lý. Sau Hiến pháp 2013 là một loạt các đạo luật về cải cách tư pháp, trong đó đề cao quyền con người. Nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới được áp dụng như suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng... Đội ngũ các chức danh tư pháp đã lớn mạnh hơn trước, kể cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và các đội ngũ khác như giám định viên, các chức danh thi hành án.

"Như vậy là có sự lớn lên về mặt số lượng, nâng cao chất lượng. Cán bộ được đào tạo bài bản hơn, nhiều người có học vị cao. Riêng đội ngũ thẩm phán và điều tra viên 100% có trình độ đại học và cao hơn. Trách nhiệm của họ cũng được nâng cao", ông Bình nói.

Buổi chiều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11/2017.
Sau phần trả lời của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.