Chấn động vụ đảng viên Trung Quốc trong các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp nước ngoài bị tiết lộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một hồ sơ dữ liệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị tiết lộ cho thấy họ đã xâm nhập vào lãnh sự quán của ít nhất 10 quốc gia ở Thượng Hải thông qua một cơ quan tuyển dụng trong hơn 10 năm qua. Một số lượng lớn đảng viên được TQ đưa vào các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới, gồm các nhà thầu quốc phòng, các công ty dược phẩm sản xuất vaccine SARS-CoV-2 và các ngân hàng.

The Australian công bố tư liệu được cho là nội bộ Trung Quốc tiết lộ về các đảng viên làm việc trong các cơ quan ngoại giao , công ty nước ngoài...là mối đe dọa tiềm tàng về an ninh (Ảnh: The Australian).
The Australian công bố tư liệu được cho là nội bộ Trung Quốc tiết lộ về các đảng viên làm việc trong các cơ quan ngoại giao , công ty nước ngoài...là mối đe dọa tiềm tàng về an ninh (Ảnh: The Australian).

Tài liệu bị nội gián tiết lộ cho tổ chức chống Trung Quốc?

Một bài báo “bom tấn” đã được tờ The Australian đăng tải hôm thứ Hai (14/12), thông qua điều tra so sánh về cơ sở dữ liệu đảng viên ĐCSTQ bị tiết lộ, cho biết họ đã hoặc đang làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của ít nhất 10 quốc gia tại Thượng Hải, bao gồm Australia, Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Ấn Độ, New Zealand, Italy và Nam Phi. Một số người trong số họ cũng đóng vai trò là chuyên viên chính trị và sự vụ chính phủ cấp cao, thư ký, cố vấn kinh tế và trợ lý hành chính.

Các chuyên gia đối ngoại được phỏng vấn đã cảnh báo rằng một số thành viên ĐCSTQ đã làm việc trong một số lãnh sự quán nước ngoài tới 16 năm. Đây có thể là một phần của “mạng lưới gián điệp do nhà nước bảo trợ”. Các nhân viên tình báo cho rằng những hoạt động như vậy đã vi phạm các quy định.

Bài báo điều tra nói Bộ Ngoại giao và Thương mại Liên bang Australia (DFAT) đã trực tiếp tuyển dụng nhân viên địa phương trong ít nhất 5 năm thông qua Cục Dịch vụ Cơ quan Ngoại giao Thượng Hải (SFASD), một cơ quan của chính phủ Trung Quốc.

Hồ sơ dữ liệu đảng viên này đã nêu tên một trợ lý hành chính cấp cao đã từng làm việc trong lãnh sự quán Australia ở Thượng Hải và tham gia tổ chức đoàn đại biểu quốc hội.

hồ sơ dữ liệu về 1,95 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị tiết lộ cho thấy nhiều người đã được đưa vào các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Thượng Hải. Trong ảnh: xe của Lãnh sự quán Mỹ trên đường phố Thượng Hải (Ảnh: AP).

hồ sơ dữ liệu về 1,95 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị tiết lộ cho thấy nhiều người đã được đưa vào các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Thượng Hải. Trong ảnh: xe của Lãnh sự quán Mỹ trên đường phố Thượng Hải (Ảnh: AP).

Ngoài ra còn có 6 đảng viên ĐCSTQ làm việc tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải, bao gồm một ủy viên chính trị, một chủ quản mua sắm và một trợ lý. Một đảng viên ĐCSTQ khác đã làm việc trong 4 năm cho Lãnh sự quán New Zealand ở Thượng Hải với tư cách là cố vấn chính sách kinh tế và thương mại.

Nói chung, tất cả các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài tại Trung Quốc đều tuyển dụng nhân viên địa phương thông qua các cơ quan chính thức của Trung Quốc.

Cơ sở dữ liệu bị tiết lộ này cho thấy Cục Phục vụ Cơ quan Ngoại giao Thượng Hải có ít nhất 12 chi bộ đang hoạt động với 249 đảng viên. Trang web của cơ quan này hiện đang liệt kê các vị trí trống cấn tuyển dụng tại các lãnh sự quán Australia, Mỹ, CH Séc, Ethiopia, Brazil và Chile và Văn phòng đại diện Hồng Kông tại Thượng Hải kể từ tháng 7/2020.

Cơ sở dữ liệu này cũng cho thấy có các đảng viên ĐCSTQ đang làm việc trong các công ty đa quốc gia, bao gồm Boeing, công ty có hợp đồng quốc phòng hàng trăm triệu USD với Australia; Pfizer và AstraZeneca, những công ty dược phẩm đang phát triển vaccine SARS-CoV-2 và nhiều trường đại học ở phương Tây.

Mặc dù hiện không có bằng chứng cho thấy người nào trong danh sách đảng viên ĐCSTQ này đã hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, nhưng phát hiện này đã làm dấy lên lo ngại về các biện pháp an ninh được các lãnh sự quán và các công ty lớn áp dụng.

Trang tin Đông Phương, Thượng Hải nói tài liệu này là được Liên minh tình báo Ngũ nhãn thổi phồng về mối đe dọa của Trung Quốc (Ảnh: eastday.com)

Trang tin Đông Phương, Thượng Hải nói tài liệu này là được Liên minh tình báo Ngũ nhãn thổi phồng về mối đe dọa của Trung Quốc (Ảnh: eastday.com)

Một quan chức tình báo được The Australian phỏng vấn nói, ngay cả các đảng viên ĐCSTQ làm việc trong lãnh sự quán, dù là vị trí cấp thấp, cũng có những rủi ro an ninh nghiêm trọng. "Bất kỳ thành viên ĐCSTQ nào được phép làm việc trong đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nước ngoài cũng đều là gián điệp tiềm năng".

Quan chức tình báo này cho biết, "dù ở những vị trí thấp, họ cũng có thể lấy thông tin về thị thực hoặc có thể cấp thị thực cho những người vốn không thể nhập cảnh vào đất nước của họ. Ở cấp độ cao hơn, họ có thể tiếp xúc các thông tin như danh tính của các nhân viên tình báo làm việc ở nước họ và thậm chí cả thông tin được mã hóa".

Kho dữ liệu về các đảng viên ĐCSTQ bị rò rỉ từ Thượng Hải này để lộ cách vận hành tổ chức đảng. Cơ sở dữ liệu này chứa thông tin chi tiết về hơn 79.000 chi bộ và 1,95 triệu đảng viên, bao gồm chức vụ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, thậm chí cả địa chỉ, số điện thoại...trong đó nam chiếm 62,8%, chủ yếu là người dân tộc Hán (98,9%).

Cơ sở dữ liệu này đã bị tiết lộ giữa tháng 9 năm nay cho một tổ chức quốc tế mới thành lập có tên Liên minh Nghị viện siêu quốc gia với Trung Quốc (The Inter-Parliamentary Alliance on China, IPAC), tập hợp 150 nghị sĩ quốc hội trên toàn thế giới.

Dữ liệu này sau đó được cung cấp cho 4 cơ quan truyền thông quốc tế là báo The Australian, Sunday Mail của Anh, Destindade của Bỉ và Jounalist Thụy Điển. Tờ The Australian đã có được bản hoàn chỉnh của tư liệu này từ một nguồn độc lập, cho phép các công ty an ninh mạng truy tìm trở lại sự rò rỉ ban đầu và thực hiện phân tích, xác minh siêu dữ liệu.

Truyền thông Trung Quốc kêu gọi truy tìm, trừng trị người tiết lộ

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa ra bình luận về vụ việc rò rỉ này, nói rằng danh sách bị tiết lộ là do có “nội quỷ” làm nội ứng, cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật.

Trang tin Trung Quốc Nhà quan sát (Observer.com) đã đăng một bình luận có tựa đề "Ai đã tiết lộ thông tin của 1,95 triệu đảng viên ĐCSTQ cho các tổ chức chống Trung Quốc ở nước ngoài", cáo buộc vụ rò rỉ "đang được truyền thông ở Anh, Australia và các nước khác thổi phồng một cách điên cuồng. Không có gì ngạc nhiên khi các cơ quan truyền thông nước ngoài thù địch với Trung Quốc và một số chính trị gia chống Trung Quốc đã ngay lập tức sử dụng điều này để bắt đầu một phương thức tấn công chống lại Trung Quốc".

Ông Uông Văn Bân cho rằng vụ việc lần này là phiên bản khác của thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Uông Văn Bân cho rằng vụ việc lần này là phiên bản khác của thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Bài báo cáo buộc rằng các phương tiện truyền thông đa quốc gia lợi dụng điều này để làm lớn chuyện, nhấn mạnh “Các đảng viên không liên quan gì đến gián điệp, họ chỉ chăm chỉ làm việc trên cương vị của mình”. Tuy nhiên, bài báo cũng viết, các chuyên gia phân tích, nếu danh sách là sự thật thì chỉ có hai khả năng bị rò rỉ: “Một là bị hack, hai là nội bộ có những kẻ phản bội. Theo báo chí nước ngoài, khả năng cao là có kẻ phản bội”.

Bài báo nói IPAC, tổ chức tung ra danh sách này đã không tiếc công sức tham gia vào việc "bôi nhọ Trung Quốc" và "chú ý đến vấn đề Tây Tạng", là “Câu lạc bộ căm ghét Trung Quốc nhất thế giới tụ tập các chính trị gia ghét Trung Quốc” mà một trong những đồng chủ tịch là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ngoài việc phê phán "hành vi tiết lộ là xấu xa và đáng khinh bỉ về mặt đạo đức", bài báo còn viết "khi các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ đang điên cuồng tấn công Trung Quốc và ĐCSTQ, thì lại có những người ở Trung Quốc hợp tác từ bên trong, phối hợp với các thế lực bên ngoài để tấn công đất nước của mình. Đây là đạo quân thứ năm điển hình và đáng hổ thẹn".

Cuối cùng, bài báo nhấn mạnh “kiểu tiết lộ này một mặt liên quan đến việc rò rỉ đời tư của 1,95 triệu người, mặt khác, vì cố tình cộng tác với các thế lực chống Trung Quốc ở nước ngoài, đã phạm tội gây nguy hại cho an ninh quốc gia, bất kể thế nào cũng phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc”.

Bài bình luận này đã được các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc đăng lại rộng rãi.

Chiều ngày 15/12 tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc; trả lời câu hỏi của một phóng viên: “Truyền thông nước ngoài cho rằng các đảng viên ĐCSTQ đã thâm nhập vào các tổ chức, trường đại học và ngân hàng của phương Tây và là các ‘gián điệp tiềm năng’. Bình luận của Trung Quốc là gì?”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Cách nói đó không gì khác hơn là sự bôi nhọ và vu khống Đảng Cộng sản Trung Quốc của cá biệt cá nhân chống Trung Quốc. Nó vô lý về mặt logic và cơ bản nó không thể đứng vững. Chẳng qua đây chỉ là một phiên bản khác của thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”.

Ông nói: “Quan hệ giữa các quốc gia cần tuân theo các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và tôn trọng các hệ thống và điều kiện quốc gia của nhau. Chúng tôi cho rằng tất cả những ai có lý trí, lương tri và ý thức công lý sẽ không đồng tình với những lời bôi nhọ và công kích vô căn cứ đối với Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.