Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Neurology, tạp chí y khoa của Học viện thần kinh học Hoa Kỳ, xét nghiệm mức độ caffeine trong máu có thể cung cấp một cách đơn giản để hỗ trợ chẩn đoán bệnh Parkinson (bệnh mất trí nhớ thường gặp ở những người lớn tuổi).
Nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh Parkinson có lượng caffeine thấp hơn đáng kể so với người không mắc bệnh, ngay cả khi họ uống cùng một lượng caffein.
Tác giả nghiên cứu Shinji Saiki, tiến sĩ của Đại học Juntendo, cho biết: "Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa caffein và nguy cơ phát triển bệnh Parkinson thấp hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa biết nhiều về cách mà chất caffeine chuyển hóa bên trong cơ thể người bị bệnh Parkinson".
Theo các chuyên gia David G. Munoz, thuộc Đại học Toronto, những người bị bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng không có hiện tượng hàm lượng caffeine thấp hơn trong máu. Điều này cho thấy việc giảm hàm lượng caffeine trong máu chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu của bệnh Parkinson.
Munoz nói: "Nếu những kết quả này được khẳng định, các nhà khoa học chỉ cần một thử nghiệm dễ dàng để chẩn đoán sớm bệnh Parkinson, thậm chí trước cả khi các triệu chứng xuất hiện. Điều này rất quan trọng vì bệnh Parkinson rất khó chẩn đoán, đặc biệt là ở giai đoạn đầu".
Nghiên cứu này được tiến hành trên 108 người bị bệnh Parkinson trong khoảng 6 năm và 31 người cùng độ tuổi không mắc bệnh. Máu của họ đã được kiểm tra chất caffein và 11 sản phẩm phụ do cơ thể tạo ra khi nó chuyển hóa chất caffein. Những người này cũng đã được thử nghiệm để tìm kiếm các đột biếm gen có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất caffein.
Theo Eurekalert, hai nhóm này tiêu thụ cùng một lượng caffeine, trung bình mỗi ngày có khoảng hai tách cà phê. Tuy nhiên, những người bị bệnh Parkinson có lượng caffeine trong máu giảm đáng kể và 9 trong 11 phụ phẩm từ cơ thể họ chứa caffeine. Mức caffeine trung bình của những người không có bệnh Parkinson là 79 picomoles/10 microliters, con số này cao hơn so với 24 picomoles/10 microliters của những người mắc bệnh này.
Trong phân tích thống kê, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thử nghiệm này có thể được sử dụng để xác định một cách chắc chắn những người bị bệnh Parkinson, với tỷ lệ chính xác là 0.98 (số 1 là xác định chính xác 100%). Trong phân tích gen, không có sự khác biệt về gen liên quan đến caffeine giữa hai nhóm.
Hạn chế của nghiên cứu này là chưa xác định được chính xác mức độ liên quan giữa caffeine và những người bị bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng. Munoz cũng lưu ý rằng tất cả những người có bệnh Parkinson đang dùng thuốc điều trị và có thể những loại thuốc này ảnh hưởng đến sự chuyển hóa caffeine trong cơ thể.
Nghiên cứu được sự tài trợ của Cơ quan nghiên cứu và phát triển y tế Nhật Bản, Hiệp hội khuyến khích khoa học Nhật Bản và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.
Theo Báo Diễn đàn Đầu tư