Vai trò dữ liệu trong đô thị thông minh
Đô thị thông minh là khái niệm không còn xa lạ. Đây là hệ sinh thái tích hợp nhiều công nghệ như Trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông và giải pháp IoT. Trong thành phố thông minh, các dữ liệu sẽ được phân tích để cải thiện quy trình hoạt động, giảm khí thải, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe hay các dịch vụ vận chuyển…
Hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan dự đoán đến năm 2025 sẽ có hơn 25 thành phố lớn trên thế giới trở thành đô thị thông minh.
Tuy nhiên, có một bài toán với đô thị thông minh mà chúng ta cần phải giải quyết, đó là Hệ thống giám sát thời gian sẽ thực tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ tăng lên mỗi ngày. Gartner cảnh báo trong 5 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến lượng dữ liệu tăng gấp 8 lần và 80% trong số đó tồn tại dưới dạng dữ liệu phi cấu trúc. Do đó, quản lý dữ liệu đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chính phủ và các tổ chức để phát triển bền vững đô thị thông minh.
Giải pháp quản lý dữ liệu trong đô thị thông minh
Tại Vietnam Frontier Summit 2018, Giám đốc điều hành Ami, Lê Hoàng Nhật đề xuất giải pháp quản lý dữ liệu trong đô thị thông minh gồm 3 phần: Xây dựng kiến trúc hạ tầng dữ liệu, bảo mật thông tin dữ liệu và phân tích dữ liệu.
Mô hình quản lý dữ liệu trong đô thị thông minh tại Singapore. Nguồn: SGTS
|
Dựa trên mô hình đang được áp dụng hiện nay tại Singapore, một trong 5 thành phố dẫn đầu danh sách đô thị thông minh vào năm 2017 (theo bình chọn của Juniper Reasearch), kiến trúc hạ tầng nên xây dựng theo hướng chia nhỏ, chuyên môn hóa dịch vụ (micro services).
Yêu cầu tối quan trọng của đô thị thông minh là dữ liệu phải được tự do di chuyển để chia sẻ và truy cập ở bất cứ đâu. Nhờ tính linh hoạt và đáng tin cậy, các dịch vụ lưu trữ đám mây, số hóa dữ liệu được ứng dụng rộng rãi thay thế cho các dịch vụ truyền thống trước đây.
Mô hình chia nhỏ dịch vụ micro services đem đến cho công dân của đô thị thông minh cơ hội trải nghiệm các dịch vụ toàn diện hơn, rút ngắn tối đa quy trình, triển khai và cập nhật dữ liệu nhanh hơn. Hơn nữa, các dịch vụ số sẽ giúp việc kết nối giữa người dân và chính phủ trở nên dễ dàng hơn.
Bảo mật dữ liệu trong đô thị thông minh được xây dựng dựa trên không gian phân quyền. Dữ liệu cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư… của người dùng cuối sẽ được lưu trữ và bảo mật. Ban quản lý chỉ có quyền tổng hợp các thông tin chung, thông tin sơ bộ như số người hay số căn hộ trong một khu chung cư. Bất cứ sự xâm phạm dữ liệu riêng tư nào mà không có sự cho phép của người dùng đều bị coi là phạm luật.
Phân tích là quá trình phát hiện, giải thích và truyền đạt các mô hình có ý nghĩa trong dữ liệu, đặc biệt có giá trị trong các lĩnh vực có lưu trữ nhiều thông tin. Về khía cạnh phân tích dữ liệu trong đô thị thông minh, Giám đốc Lê Hoàng Nhật cho rằng: “Dữ liệu nếu để nguyên thì sẽ không có giá trị, nhưng nếu biết cách phân tích và chọn lọc được thông tin thì sẽ đem lại hiệu quả rất cao”.
Giám đốc điều hành Ami, Lê Hoàng Nhật phát biểu tại Vietnam Frontier Summit 2018
|
Anh Nhật cùng với Ami hiện nay đang ứng dụng đồng hồ điện tử IoT trong quản lý điện của hơn 2000 căn hộ cho thuê dài hạn tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng hồ này được kết nối với wifi, tổng hợp dữ liệu gồm điện kế, dòng điện, lượng điện tiêu thụ của mỗi hộ gia đình cho ban quản lý dưới dạng dữ liệu đám mây. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể dễ dàng thống kê lượng điện tiêu thụ, đồng thời phát hiện những quá tải có thể gây ra sự cố về điện.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dự đoán Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm trở thành đô thị thông minh tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, để lời dự báo trở thành hiện thực, chúng ta cần biết cách quản lý và khai thác luồng dữ liệu hiệu quả từ hôm nay.