Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công từ ngày 7.2.2015 và hoàn thành vào năm 2018, bao gồm sáu nhà đầu tư chỉ định thầu gồm: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Yên Khánh - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty cổ phần Hoàng An - Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII.
Mục tiêu đầu tư xây dựng là từng bước hoàn thành tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các trục đường chính; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, phát huy hiệu quả các dự án đang đã và đang đầu tư xây dựng trong khu vực và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên QL1; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng nơi tuyến đi qua và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.
Các nhà đầu tư đã thống nhất chấp thuận Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đứng đầu liên danh tiến hành các thủ tục để lập ra Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã đề cử ông Phan Anh Dũng làm Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện trước pháp luật.
Tuy nhiên, cho đến nay, tiến độ triển khai công trình huyết mạch này đang bị đình trệ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là trong quá trình triển khai thực hiện dự án này đã xảy ra một số vấn đề có biểu hiện không đúng quy định khiến dự án không theo đúng tiến độ đề ra.
Để giải quyết những tồn tại này, ngày 26.8.2015, Bộ GTVT đã họp kiểm điểm dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu doanh nghiệp làm dự án này kiểm tra lại lý do tại sao doanh nghiệp dự án không báo cáo, giải trình về chi tiết vốn chủ sở hữu theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Theo Báo cáo số 111 ngày 27.8.2015 của Ban kiểm soát Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, thực hiện Quyết định số 4145 ngày 31.10.2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 2035/TTg-KTN, ngày 14.10.2014) và Quyết định số 402, ngày 3.2.2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1, tính đến ngày 26.6.2015, các nhà đầu tư đã góp được 1.408/1.542 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, đạt 91,29% (các nhà đầu tư phải đóng 11%) theo quy định.
Đến thời điểm này, việc triển khai dự án bị đình trệ do: giải phóng mặt bằng trên hiện trường không thực hiện được; doanh nghiệp dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; dự án không thu xếp được vốn tín dụng cho triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, nhà đầu tư cho rằng việc quản lý, điều hành doanh nghiệp dự án có đang nhiều bất cập và vi phạm nguyên tắc quản lý.
Cụ thể, trong số vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đã góp để triển khai dự án, Ban điều hành đã tự ý chỉ định và ký kết nhiều hợp đồng xây lắp có giá trị lớn để hợp thức hóa và giải ngân tạm ứng với giá trị nhiều trăm tỉ đồng trong khi chưa được Bộ GTVT và các Ban chuyên môn của Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu hay chỉ định thầu. Việc làm này cũng không xin ý kiến cổ đông.
Cụ thể, trong báo cáo Bộ GTVT ngày 25.8.2015, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận báo cáo mới chỉ chi tiền tạm ứng cho đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 98 tỉ đồng. Nhưng được biết, chỉ tính riêng hợp đồng xây lắp số 09/HĐXD-BOT/TL-MT ký ngày 22.6.2015, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã chi tạm ứng hai lần với giá trị là 480 tỉ đồng trong khi chưa thông qua cổ đông và Hội đồng quản trị công ty, chưa có nghị quyết về việc sử dụng vốn. Việc giải ngân như trên là vi phạm nguyên tắc và mục đích quản lý sử dụng vốn.
Sau khi chỉ ra những nguyên nhân khiến việc triển khai dự án bị đình trệ, Ban kiểm soát đã đề nghị lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiểm tra, làm rõ các nội dung nêu trên để đảm bảo an toàn nguồn vốn cho triển khai dự án, đồng thời đề nghị Bộ GTVT kịp thời có ý kiến chỉ đạo để việc triển khai dự án này theo đúng tiến độ mà Chính phủ đề ra. Trước sự việc trên, Công ty cổ phần Hoàng An đã có Công văn số 235/CV-HA ngày 7.9.2015 gửi Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận yêu cầu giải trình nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải trình.
Ngày 4.9.2015, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT có Văn bản số 269/CV-BMT/2015 gửi Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nêu rõ: Căn cứ Văn bản số 111 của Ban kiểm soát của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận gửi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề cập đến khoản chi tạm ứng với tổng giá trị là 480 tỉ đồng cho riêng Hợp đồng xây lắp số 09/HĐVD-BOT/TL-MT mà chưa báo cáo với Hội đồng quản trị, xin ý kiến cổ đông cũng như Ban kiểm soát công ty và chưa thông qua Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch hay chỉ định thầu.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT yêu cầu Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải trả lời cho các cổ đông sáng lập về sự việc này trước ngày 9.9.2015. Ngày 16.9.2015, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT tiếp tục có Văn bản số 277/CV-BMT gửi Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận yêu cầu các cá nhân chịu trách nhiệm tại Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị triệu tập Hội đồng sáng lập để giải quyết về những vấn đề liên quan đến hợp đồng số 09/HĐXD-BOT/TL-MT, ngày 22.6.2015. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT cho biết, trường hợp số tiền 480 tỉ đồng được ký từ Hợp đồng số 09/HĐXD-BOT/TL-MT là hợp đồng không phù hợp với quy định.
Theo Công an TP.HCM