Liên tục thâu tóm “đại gia”, Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc là ai?

Liên tục thâu tóm các "đại gia" hạ tầng giao thông, cùng với đó là việc trúng thầu thi công hàng loạt dự án lớn trong cả nước khiến nhiều người không khỏi quan tâm: Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc là ai?
Ông Trần Tuấn Lộc, chủ tịch HĐQT của công ty Tuấn Lộc cũng đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT của Cienco 4.
Ông Trần Tuấn Lộc, chủ tịch HĐQT của công ty Tuấn Lộc cũng đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT của Cienco 4.

Liên tục thâu tóm "đại gia" xây dựng cầu đường

Vào cuối năm 2014, Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đã chi tới hơn 295 tỷ đồng để mua lại toàn bộ 21 triệu cổ phần, tương đương với 35% vốn tại Cienco 4 từ Bộ Giao thông vận tải.

Sau giao dịch này, công ty Tuấn Lộc đã nắm quyền chi phối Cienco 4 khi sở hữu 51,5% cổ phần của doanh nghiệp này. 

Cienco 4 hiện là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường, hạ tầng giao thông. Do vậy, việc nắm quyền kiểm soát Cienco 4 sẽ đưa Tuấn Lộc trở thành một doanh nghiệp có vị thế đáng kể trong ngành.

Bên cạnh đó, Tuấn Lộc cũng đang là cổ đông lớn của Cảng Nghệ Tĩnh khi sở hữu 18,1% vốn điều lệ công ty.

Cảng Nghệ Tĩnh có tổng vốn điều lệ hơn  215 tỷ đồng, trong đó cổ phần Nhà nước – Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines chiếm 51% vốn điều lệ; cổ đông chiến lược - CTCP đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc chiếm 18,1% vốn điều lệ, còn lại là người lao động cam kết làm việc lâu dài tại công ty.

 Một "đại gia" khác trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đang nằm trong tầm ngắm của Tuấn Lộc chính là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật T.P HCM (mã CII).

Trong thời gian gần đây, doanh nghiệp này liên tục mua cổ phiếu CII với khối lượng lớn và hiện đã nắm hơn 12,5% vốn CII, trở thành cổ đông lớn thứ 2 của công ty này. Điều này dấy lên nghi ngại của nhà đầu tư về việc Tuấn Lộc muốn thâu tóm CII.

CII được coi là một trong những doanh nghiệp khá thành công trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông khi sở hữu một cơ cấu cổ đông mạnh về tiềm lực tài chính, bao gồm cả cổ đông chiến lược nước ngoài.

Trong khi đó, trong Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) thành công ty cổ phần của Bộ Xây dựng, cái tên Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc cũng đã xuất hiện trong danh sách nhà đầu tư chiến lược với số cổ phần đăng ký và cam kết mua là 41,8 triệu cổ phần, tương ứng với 38% vốn điều lệ công ty.

Được biết, năm 2015, CC1 đặt mục tiêu tổng doanh thu 3.020 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 183 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 174 tỷ đồng.

Ngoài CCI, Tuấn Lộc còn đang hướng tới một thương vụ M&A khá lớn khác khi vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép mua cổ phần chi phối cảng Cửa Lò, Nghệ An - cảng biển lớn nhất khu vực Bắc miền Trung.

Những công trình nghìn tỷ

Đi kèm với những cuộc thâu tóm đại gia trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng chính là những công trình nghìn tỷ mà Tuấn Lộc đã và đang thi công.

Tuấn Lộc là thành viên đứng đầu liên danh 6 nhà đầu tư Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - CII B&R trúng dự án BOT Trung Lương -Mỹ Thuận hơn 14.600 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình quy mô lớn tại khu vực phía Nam. 

  

Ngoài dự án dự án này, Tuấn Lộc còn tham gia đầu tư nhiều dự án khác. Tuấn Lộc thực hiện nhiều dự án cầu đường lớn như cầu Sài Gòn 2 với tổng vốn xây dựng dự án 1.495,52 tỷ đồng, Dự án Cầu Cổ Chiên, tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.

Khu Công nghiệp Tuấn Lộc tại Nghệ An với tổng mức đầu tư: 2.500 – 3.000 tỷ đồng. Dự án chia làm hai giai đoạn 2010-2015 và từ 2015 đến 2030.

Đáng chú ý, Tuấn Lộc còn liên danh với Cienco 4 và CTCP Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Lộc Việt Nam triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) lên tới 2.746 tỷ đồng.

Đầu tư Tuấn Lộc là ai?

Trong thời gian gần đây, Tuấn Lộc nổi như cồn nhờ nhận được những công trình nghìn tỷ. Bằng cách âm thầm thâu tóm các công ty đầu ngành trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Tuấn Lộc đang trở thành một thế lực mới trong lĩnh vực vốn vẫn dành cho các doanh nghiệp Nhà nước này.

Và câu hỏi đặt ra là, Đầu tư Tuấn Lộc là ai? Tại sao họ lại có tiềm lực kinh tế mạnh đến vậy?

Tuấn Lộc được thành lập năm 2005 với mục đích ban đầu chỉ là một đơn vị chuyên thi công hệ thống cấp thoát nước, thi công cọc bê tông cốt thép. 

Đến năm 2008, công ty chuyển đổi thành CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc với lĩnh vực hoạt động đa dạng hơn như xây lắp các công trình cầu đường; đầu tư các dự án BOT về giao thông vận tải; đầu tư phát triển các khu công nghiệp; đầu tư, thi công xây lắp các nhà máy sản xuất nước sạch và xử lý nước thải; đầu tư khai thác cảng biển.

Tuấn Lộc do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó ông Trần Tuấn Lộc –một doanh nhân trẻ thế hệ 8X quê ở Nam Đàn, Nghệ An là Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tuấn Lộc cũng là cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất ở công ty này với tỷ lệ nắm giữ 60%. Ba cổ đông còn lại sở hữu Tuấn Lộc gồm ông Trần Tuấn Long sở hữu 15%, ông Nguyễn Trường Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) sở hữu 15% và bà Nguyễn Thị Bình (Nam Đàn, Nghệ An) sở hữu 10%.

Mặc dù còn là một doanh nghiệp khá non trẻ nhưng doanh nghiệp này đã khiến nhiều "đại gia" trong ngành phải kiêng nể với vốn điều lệ tại thời điểm này đã lên tới 1.600 tỷ đồng cùng một danh sách dài những dự án lớn. Với chiến lược khôn ngoan, Tuấn Lộc đang trở thành một trong những cái tên gây chú ý nhất trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay.

Theo: BizLive