Kỷ nguyên tiền mã hóa kỹ thuật số (cryptocurrency) với sự bùng nổ của Bitcoin kéo theo vô vàn những dự án tiền ảo trên thế giới. Tuy nhiên, trừ Bitcoin, các loại coin hay token còn lại đều được gọi là các "coin cỏ" (altcoin), ám chỉ những đồng tiền này đều rất rẻ mạt và giá trị của nó gắn chặt với niềm tin của người dùng.
Dù vậy, coin cỏ vẫn có giá trị nhất định khi được đưa lên sàn giao dịch uy tín. Chẳng hạn, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Coinmarketcap đang theo dõi hơn 8.300 đồng tiền ảo trên thế giới với tổng giá trị toàn thị trường là hơn 1 nghìn tỷ USD, mà Bitcoin đã chiếm tới 62,1% tổng giá trị trong khi có rất nhiều coin cỏ có giá trị tiệm cận 0,1 USD.
Nhưng còn rất nhiều dự án khác tự gán lên mình mác tiền ảo mà chưa hề được lên sàn. Đồng nghĩa giá trị của nó chỉ bằng 0 tròn trĩnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người tham gia. Pi Network chính là một dự án như vậy.
Coin chỉ có giá trị khi lên sàn uy tín và có tính thanh khoản. |
Được giới thiệu từ năm 2019, Pi Network có giao dịch nội bộ đầu tiên vào năm 2020. Nhiều người nắm giữ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn Pi trong ví ảo đang chờ đồng tiền này lên sàn. Pi Network hiện có hơn 10 triệu lượt tải ứng dụng này trên Play Store (chưa tính App Store) và nhà phát triển cho biết họ có khoảng 12 triệu thợ đào. Tuy nhiên, tổng khối lượng Pi Coin và khối lượng giao dịch hàng ngày lại không được tiết lộ.
Cách thức đào đồng tiền này được giới thiệu là vô cùng đơn giản, chỉ cần dùng điện thoại và không cần kết nối. Nhưng mô hình người trước giới thiệu người đến sau có thể khiến nhiều người hình dung đến mô hình đa cấp, dù Pi Network luôn nhấn mạnh với người tham gia là không tốn gì cả.
Thực tế, việc người dùng cung cấp thông tin qua quá trình cài đặt và đăng ký Pi Network đã là một mất mát. Tốn thời gian và công sức cũng là một dạng tốn kém dễ bị nhiều người bỏ qua. Chưa kể hiện Pi Network mới đang trong quá trình thử nghiệm và để giao dịch được, người dùng phải trải qua hai bước xác minh danh tính (know your customer) và xác thực giao dịch (in app transfer), nơi người dùng tiếp tục cung cấp thông tin cá nhân quan trọng khác.
Pi Coin vẫn chỉ cho giao dịch nội bộ và chưa lên sàn. |
Nhưng khi nào Pi Network hay các đồng tiền ảo trôi nổi trở thành lừa đảo? Bỏ qua chuyện tốn thời gian và công sức, một đồng tiền ảo sẽ là lừa đảo khi dụ dỗ người tham gia bỏ tiền vào một sàn ảo với cam kết lãi suất xx% theo tháng. Đây là mô hình Ponzi (hay mô hình kim tự tháp) lấy của người đến sau trả cho người vào trước từng bùng nổ vào năm 2017 với đủ loại coin đa cấp như iFan, Pincoin hay BitConnect.
Mô hình lừa đảo này sẽ sụp đổ khi người sáng lập bỏ của chạy lấy người, mà thuật ngữ trong giới gọi là sập sàn. Thực tế, cho dù sàn không sập, những đồng tiền ảo lừa đảo không có tính thanh khoản thậm chí còn không bằng giấy vụn. Nó hoàn toàn vô giá trị bởi không ai mua bán trao đổi, nhà đầu tư và người đào coin sẽ mất trắng.
Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không. Nhưng bất cứ đồng tiền ảo nào đều không thể cam kết đổi được tiền ảo lấy tiền thật hoặc hàng hóa, do đó người tham gia cần hết sức cân nhắc khi đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc vào bất cứ loại tiền ảo nào không riêng gì Pi Network.
Theo ICTNews
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu