Cộng đồng người dùng iPhone khóa mạng hôm 13/3 tiếp tục gặp phen khó chịu khi SIM ghép “thần thánh” phiên bản thứ 6 mất tác dụng, khiến điện thoại không thể sử dụng tại Việt Nam. Đây tiếp tục là động thái cứng rắn của Apple nhằm vô hiệu hóa những điện thoại iPhone phiên bản khóa mạng sử dụng SIM ghép.
iPhone khóa bị yêu cầu kích hoạt khi dùng SIM ghép tại Việt Nam - Ảnh: DĐV
Trong năm 2017 kéo dài đến nay Apple liên tục cập nhật phần mềm cho iPhone để điện thoại không chấp nhận SIM ghép, khác với sự “lơ là” trong các năm trước, cho thấy Apple hoàn toàn không ủng hộ việc điện thoại của họ bị “qua mặt” các rào cản an ninh để sử dụng ở các thị trường không phù hợp.
Hầu hết SIM ghép bán trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. SIM ghép này sẽ ghép chung với SIM gốc của một nhà mạng tại Việt Nam, sau đó gắn vào các iPhone bị khóa mạng để vượt qua các lớp an ninh của iPhone nhằm sử dụng được tại Việt Nam.
iPhone khóa mạng là iPhone được các nhà mạng ở nước ngoài phân phối cho riêng thuê bao của họ nên không dùng được cho các mạng di động khác. Các iPhone này được nhập về Việt Nam bán rẻ hơn iPhone thông thường, sau đó dùng SIM ghép ghép chung với SIM nhà mạng Việt Nam để sử dụng.
SIM ghép (màu đen) ghép với SIM của nhà mạng tại Việt Nam để dùng cho iPhone lock - Ảnh: DĐV
Việc đặt một thiết bị như SIM ghép, không được kiểm tra về bảo mật, vào chung với SIM chính và gắn vào điện thoại có thể khiến các cuộc gọi bị nghe lén, tin nhắn bị đọc trộm, hình ảnh và video trên điện thoại bị đánh cắp hay các rủi ro khác hay không?
Ông Lê Minh Quốc, Giám đốc kỹ thuật công ty MKsmart - một trong 10 công ty sản xuất thẻ thông minh (SIM, thẻ cào, thẻ ngân hàng,...) lớn nhất thế giới, cho rằng SIM ghép bán trên thị trường Việt Nam hiện nay hầu hết không qua các bước kiểm tra bảo mật nên có những rủi ro khó lường trước.
Ông Quốc giải thích, SIM ghép này là dạng SIM Overlay dùng thẻ thông minh (smartcard) rất mỏng dạng label dán lên SIM chính sử dụng chung các chân. Hai SIM này mắc song song và dùng chung nguồn điện từ điện thoại, khi đó điện áp cấp cho SIM chính không đổi nhưng cường độ dòng điện sẽ giảm đi. Nếu SIM ghép xử lý không tốt sẽ làm tín hiệu chập chờn không ổn định. Việc này làm cho các cuộc gọi có lúc không ổn định, thậm chí có khả năng gây cháy nổ.
Một loại SIM ghép được bán trên thị trường - Ảnh: Hei...
Song song đó, trao đổi với ICTnews, đại diện mạng di động Mobifone cho biết SIM ghép không phải là SIM chính hãng, không do nhà mạng cung cấp, do đó khách hàng sử dụng loại SIM này rất dễ bị lợi dụng và mất an toàn đến an ninh, bảo mật thông tin của khách hàng
SIM ghép như một thiết bị phần cứng bên ngoài được gắn vào điện thoại, cho thiết bị này ghép nối trực tiếp và có toàn quyền như một SIM thông thường nên ông Lê Minh Quốc cho rằng những rủi ro về bảo mật có thể xảy ra.
“Việc ghép nối SIM ghép vào điện thoại cũng giống như tự cài vào điện thoại một phần mềm không nguồn gốc có rủi ro bảo mật cao, khi đó tùy vào mức nguy hại của phía thiết kế SIM ghép mà những dạng thông tin nào của người dùng sẽ gặp rủi ro”, ông Quốc lý giải.
Về khả năng SIM ghép có thể nghe lén cuộc gọi và đọc tin nhắn hay không, chuyên gia từ Mobifone cho rằng “chưa có thử nghiệm về vấn đề này”, tuy nhiên khả năng khách hàng bị lợi dụng hoặc mất an toàn thông tin là có thể xảy ra.
Một nhà mạng tại Việt Nam được cho là đã phát hiện khách hàng của họ khi dùng SIM ghép bị đánh cắp thông tin gửi về máy chủ ở nước ngoài tuy nhiên nhà mạng này không xác nhận sự việc khi được hỏi.
Theo ICT News