Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) quy định doanh nghiệp muốn được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
Cụ thể, doanh nghiệp cần được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp chứng minh có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KHCN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
Doanh nghiệp có văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyết định giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật, bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng.
Hoặc, doanh nghiệp có quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước, giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước, giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách Nhà nước, giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ,...
Không những thế, doanh nghiệp cũng cần chứng minh doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Để đăng ký thành lập được doanh nghiệp KHCN, Công ty cần phải làm rõ được các thông tin sau: Chứng minh các sản phẩm, thiết kế các ứng dụng về robot công nghiệp, cánh tay robot công nghiệp; thiết kế chế tạo các dây chuyền sản xuất tự động trong nhiều ngành nghề… được hình thành hoặc ứng dụng kết quả KHCN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận, văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Các nội dung này được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
Cũng theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN (KHCN) có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019, doanh nghiệp KHCN sẽ được nhận nhiều ưu đãi về thuế, tín dụng, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ. Miễn giảm thuế Doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, để được ưu đãi trên, năm tài chính của doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Điều kiện, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế. Nghị định cũng quy định, doanh nghiệp KHCN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm Doanh nghiệp KHCN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp KHCN được sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp để thương mại hóa kết quả KHCN, doanh nghiệp KHCN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KHCN, tài sản trí tuệ của Nhà nước. |