Cần 2 triệu doanh nghiệp cho “trận đánh kinh tế lớn”

Nguồn gốc sâu xa của các bất ổn về kinh tế, nợ công tăng, bội chi ngân sách hàng năm tăng… bắt nguồn từ doanh nghiệp chưa đủ về cả số lượng lẫn chất lượng.
Theo Chủ nhiệm VEC cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Chủ nhiệm VEC cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ tiêu xây dựng từ nay đến năm 2020 Việt Nam phải có ít nhất 2 triệudoanh nghiệpkinh doanh có hiệu quả, là ý kiến được ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm CLB Các nhà Kinh tế (VEC) nêu ra trong bản tham luận trình bày tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 diễn ra tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá).

Cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp

Theo ông Thành, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp được thành lập nhưng chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Israel, Nhật.

Ông Thành cho rằng, nếu tính trung bình theo thông lệ các nước thì Việt Nam cần có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh tốt, kinh doanh hiệu quả, là lực lượng chủ công xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.

Theo đó, Chủ nhiệm VEC kiến nghị các biện pháp cụ thể đối với Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng, không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

"Điều chỉnh cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ngân hàng phải thay đổi cách thức cho vay theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ", ông Thành phân tích.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng Nhà nước cần xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm CLB Các nhà Kinh tế (VEC)

Cụ thể tập trung các bộ, cơ quan, địa phương với nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ, hiện đại theo hướng tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường. Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Ông Thành cũng nhấn mạnh vai trò của việc cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.

"Đây cũng chính là những giải pháp đã và đang được triển khai, nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn", vị Chủ nhiệm VEC cho hay.

Phá "điểm nghẽn" từ đâu?

Cũng trong bản tham luận của mình, ông Thành nêu ra hàng loạt những chỉ số cho thấy sự "không vững chắc" của nền kinh tế từ đó nêu ra những biện pháp nhằm phá vỡ "điểm nghẽn".

Cụ thể, theo ông Thành, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh, tổng cầu tăng chậm, nợ xấu còn cao, xử lý chậm, thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tỷ trọng xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp.

"Tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách của Chính phủ hiện đang ở mức 14,2% nhưng nếu tính cả phần vay đáo nợ, con số này hiện đang ở mức 26,2% GDP", ông Thành dẫn số liệu.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar…

Ông đánh giá, điều quan trọng hơn hết là khó khăn ngân sách và nợ công vẫn tăng cao, nợ xấu ngân hàng vẫn còn chậm giải quyết; môi trường sản xuất kinh doanh mặc dù đã có sự nỗ lực của các ngành và Chính phủ nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

"Tất cả những dấu hiệu nêu trên nói lên sự phát triển kinh tế đang ở thế bị động, cần có sự đột phá, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, “lật ngược thế cờ” chuyển từ thế bị động sang thế chủ động", ông Thành cho hay.

Do đó, ông Thành cho biết, để phá "điểm nghẽn" từ tư duy chiến lược cần đổi mới tư duy, xây dựng tăng trưởng dựa trên phát triển theo chiều sâu đồng thời cần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Từ đổi mới tư duy kinh tế sẽ thúc đẩy khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Thêm vào đó, cần thay đổi tư duy “vay để đầu tư là vay nợ lành mạnh”, hiện đang ngự trị trong chủ trương và các quyết sách của lãnh đạo nhà nước. Nhà nước chỉ sử dụng những khoản vay dài hạn cho đầu tư, trên tinh thần đó hạn chế dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế khác, trong đó chú trọng doanh nghiệp tư nhân, thay vì từ trước tới nay chỉ tập trung cho doanh nghiệp nhà nước.

"Ưu tiên đầu tư những ngành sử dụng ít vốn. Tránh đầu tư ngân sách cho những ngành sử dụng nhiều vốn. Thực tiễn thời gian qua nhiều nước trên thế giới phát triển tốt như: Hồng Kông, Singapore, Malaysia… rất ít đầu tư cho công nghiệp hóa", ông Thành dẫn chứng.

Theo Bizlive