Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động thế nào đến thị trường lao động Việt?

VietTimes – Sáng 27/3/2018, Văn phòng giới sử dụng Lao động thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Công ty Cổ phần Sách Omega Việt và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam”.
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động chủ trì buổi tọa đàm
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động chủ trì buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng thư ký VCCI kiêm giám đốc Văn phòng giới sử dụng Lao động cho biết, lao động trong CMCN 4.0 là quá trình cần được nhận thức cho một tương lai lâu dài. Thực tế là Việt Nam đang rất thiếu những cơ sở cần thiết cho quá trình này để sử dụng và đào tạo lao động trong CMCN 4.0. Trong đó, lao động phổ thông là đối tượng rất khó chuyển đổi để thích ứng với CMCN 4.0. Vì thế, cần phải có một làn sóng đổi mới gắn kết giữa công nghệ và nhân lực để thích ứng với việc làm công nghệ cao.

Nói về lực lượng lao động có trình độ cao đẳng và đại học PGS TS Lê Anh Vinh – chuyên viên Viện Khoa học Giáo dục đề cập là nếu so sánh về kết quả học tập thuần túy, sinh viên Việt Nam không mấy thua kém sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, họ lại thua kém về vận dụng kiến thức trong công việc và sự thích nghi với môi trường làm việc. Phải chăng đó chính là lý do mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới liệt Việt Nam vào nhóm các nước không sẵn sàng với CMCN 4.0 (?).

ThS Đặng Thị Hải Hà – chuyên gia của tổ chức Respect Việt Nam thì đề cập một thực tế là lao động Việt Nam đang yếu và thiếu nhận thức về nhiều vấn đề trong công việc. Chính xác thì có thể gọi đó là kiến thức về khoa học tư duy và nó cần được bổ sung vào chương trình của các trường đại học, cao đẳng.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì đề cập, CMCN 4.0 là quá trình đan xen các công nghệ mới trong nền sản xuất chứ không phải là thay thế hoàn toàn máy móc tự động hóa với con người. Sử dụng robot, các nhà máy sẽ giảm thiểu được các lao động nặng nhọc, độc hại. Vì thế, vấn đề phải đào tạo được công nhân biết sử dụng vận hành robot. Riêng với ngành dệt may, máy may công nghiệp cũng chưa thể thay thế hoàn toàn được công nhân và điều đó vẫn là lợi thế của Việt Nam với thị trường xuất khẩu này.

Còn theo ông Phạm Đức Thắng – đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (trước đây là Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), việc đào tạo lao động của các trường nghề luôn là thách thức không chỉ trong CMCN 4.0. Nguyên nhân vì các nhà trường không thể có những máy móc hiện đại mà doanh nghiệp đang sử dụng. Vì vậy, rất cần sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo tay nghề cho học viên. Mặt khác, các nhà tuyển dụng cũng phải ra được yêu cầu rõ ràng về chất lượng lao động trong quá trình hợp tác đó.