Nhập nhằng giữa desktop và laptop
Những người có hiểu biết về PC đều có thể phân biệt dễ dàng giữa 3 dòng chip chủ chốt hiện nay của Intel là Core i3, Core i5 và Core i7. Trong phần lớn các trường hợp, chip i3 thường có 2 nhân 2 luồng, i5 thường có 4 nhân 4 luồng và i7 thường có 4 nhân 8 luồng. Lựa chọn giữa 3 dòng chip này trở nên thực sự đơn giản vì chỉ gói gọn giữa 2 yếu tố kinh phí và sức mạnh xử lý. i5 đắt hơn hẳn i3 và do vậy mạnh hơn hẳn. Mối quan hệ giữa i7 và i5 cũng vậy.
Nhưng lên laptop mọi thứ trở nên rối rắm hơn. Ví dụ, tôi đang cân nhắc tới chiếc Lenovo Z5170. Ở mức giá chưa đầy 17 triệu đồng, chiếc laptop Lenovo này có vẻ sẽ phục vụ tốt cho nhu cầu chơi game nhờ có card màn hình rời và chip Core i7.
Mỗi năm, Intel chỉ thay đổi logo một chút ít.
Sự thật không phải như vậy. Chip Core i7 trên Z5170 thuộc dòng 5500U và do đó chỉ có 2 nhân xử lý - không đủ để chơi game đỉnh. Nếu không thực sự quan tâm đến Intel, tôi có thể đã mua phải một chiếc laptop không thể dùng để chơi game một cách hiệu quả mà vẫn ung dung rằng "Lap Core i7 giờ rẻ thế".
Tương tự như vậy, chip Core i5 trên laptop cũng thường chỉ có 2 nhân và cũng không đủ sức để phục vụ game thủ, trong khi gần như bất cứ con chip Core i5 nào trên desktop cũng đều sẽ là lựa chọn đem lại hiệu năng tốt nhất/giá thành cho những tín đồ của game offline.
Sự rối loạn chưa dừng ở đây. Chiếc Thinkpad T460p dùng chip i5-6440HQ có 4 nhân và do đó chắc chắn sẽ đánh bại chiếc Z-Series kể trên về sức mạnh CPU. Mối quan hệ dễ hiểu giữa i5 và i7 trên desktop hoàn toàn không hề tồn tại trên laptop.
Những cái tên quá nhiều thành phần
Dĩ nhiên là tôi biết cách nhận diện sức mạnh tương đối của các dòng chip: quan trọng nhất có lẽ là các chữ cái ở cuối (ví dụ như đuôi "U" chỉ chip tiết kiệm điện năng và do đó rất… yếu). Hoặc đơn giản là bạn có thể gõ tên chip vào Google để tìm kiếm. Nhưng đã nói tới marketing là phải nói tới người dùng phổ thông, và với đối tượng này, cách đặt tên sản phẩm rối rắm như của Intel có thể coi là một thất bại toàn tập.
Đó là còn chưa kể con số đi kèm tên chip của Intel cũng thường khá vô nghĩa. Con số "5500" nói lên điều gì về mẫu chip Core i7 có trên chiếc laptop Lenovo mà tôi kể tên phía trên? Cách duy nhất để bạn biết xung nhịp, điện năng tiêu thụ hay những thông số quan trọng nhất về con chip này là copy rồi paste vào Google để tìm kiếm.
Xét về mặt nhận diện thương hiệu, đó thực sự là một thất bại. Hãy thử so sánh với chip di động mà xem: Qualcomm luôn tập trung vào những cái tên dễ hiểu như "Snapdragon 801" chứ không bao giờ lôi tên mã dài dòng (MSM8974, MSM8974AC, v…v…) ra quảng bá sản phẩm. Hoặc, ai cũng biết Apple A9 mạnh hơn Apple A8 còn Apple A9X là bản cải tiến dành cho iPad. Đơn giản như vậy thôi.
Đơn giản và dễ hiểu.
Phép so sánh này cũng có phần khập khiễng bởi số dòng chip mà Qualcomm hay Apple thiết kế là quá ít ỏi so với số lựa chọn mà Intel mang tới. Nhưng đặt ngược lại vấn đề, sẽ chẳng có mấy người quan tâm tới tên gọi dài dòng của các mẫu chip Core để nhận ra rằng Intel đang mang đến cho họ rất nhiều lựa chọn. Hãy nhìn xung quanh và bạn sẽ thấy phần lớn mọi người sẽ chỉ biết rằng laptop của họ có "Core i7" chứ không hề hay biết con chip này có đuôi là gì, thuộc thế hệ nào.
Ví dụ, một người dùng không làm việc IT hay không đam mê build PC chắc chắn sẽ không thể chỉ ra rằng i7-6820HK, i7-6500U và i7-6950X đều thuộc thế hệ Core mới nhất. Với đối tượng này, tất cả những thông tin quan trọng như thế hệ chip, số nhân, mức độ tiết kiệm điện năng của dòng Core cao cấp đang bị cách đặt tên phức tạp của Intel che mờ.
Thật không thể hiểu được tại sao Intel lại dùng cùng một thương hiệu dễ nhận biết (Core i7) để đặt cho một con chip lõi kép yếu đuối và một con chip "khủng" 10 nhân dành cho game thủ.
Rối loạn tầm thấp và di động
Chip Intel tầm trung-cao đã gây rối loạn như vậy, tầm thấp còn đáng bực mình hơn nữa. Cách đây khoảng 10 năm thì nhắc tới Intel tầm thấp là nhắc tới Celeron. Ngày nay thì sao?
Đầu tiên là Pentium. Cần phải nhớ lại rằng trước đây Pentium là thương hiệu đại diện cho ước mơ của nhiều người, nhưng đến khi dòng Core Duo/Core Quad ra đời thì Pentium bị đẩy xuống khúc dưới, chỉ nhỉnh hơn Celeron một chút.
Thế rồi Intel lại rục rịch ra mắt thêm một dòng chip cấp thấp là Atom. Thực chất, Atom là dòng chip tập trung cho mục đích di động và ban đầu khá phổ biến trên netbook. Nhưng Atom cũng có mặt trên smartphone và tiếp đó là tablet-lai-laptop chạy Windows RT hoặc Windows 8. Sự phân biệt giữa Pentium, Celeron và Atom có vẻ là rõ ràng, nhưng hãy hỏi ai đó bên cạnh bạn xem chip Atom mạnh hơn hay Celeron mạnh hơn, và câu trả lời bạn nhận được sẽ là "không biết".
Intel vẫn chưa chịu dừng ở đây. Trong năm ngoái, chip Core M ra mắt, cũng với mục tiêu là chinh phục thị trường tablet và laptop siêu mỏng. Vậy thì điểm khác biệt giữa Core M và Atom là gì? Core M có khai tử Atom không? Core M mạnh mẽ hơn hay là các chip Core i3 đuôi U mạnh mẽ hơn? Bạn chỉ có thể trả lời được câu hỏi này nếu bạn là một tín đồ công nghệ - và những tín đồ công nghệ thì chưa bao giờ đông đảo cả.
Kết luận ở đây vẫn chỉ có 1: cách đặt tên của Intel thật là một thất bại về mặt marketing.
Những nhập nhằng không đáng có
Tôi nảy sinh ý định thực hiện bài viết này khi đọc một "thớt" bán laptop cũ trên mạng. Cửa hàng bán laptop trong "thớt" này quảng bá rằng chiếc HP Envy 15 mà họ bán lại đang sử dụng "vi xử lý Core i7 mạnh mẽ nhất". Nếu là một sinh viên mê chơi game nhưng không thực sự sành công nghệ, chắc chắn tôi cũng sẽ không thể biết rằng dòng chip Core i7 của 6 năm về trước không chỉ yếu hơn đáng kể mà còn nóng hơn rất nhiều so với dòng Core i7 của năm nay.
Những chiếc laptop cũ sẽ bị thay thế thường xuyên hơn nếu người dùng hiểu được rằng chip Intel của họ rất yếu so với chip ngày nay.
Và nếu không mê PC thì tôi cũng sẽ chẳng hỏi chiếc Lenovo IdeaPad được cửa hàng nọ quảng cáo là "Core i7 thế hệ Haswell mới nhất" là 2 nhân hay 4 nhân – nói cách khác, có chơi được game "đỉnh" của… 3 năm trước hay không. Tất cả những nhập nhằng này đã có thể được giải quyết nếu như Intel từ bỏ những thương hiệu đã quá cũ kỹ của họ, hay ít ra là nghĩ ra cách đặt tên có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thế hệ chip hoặc số nhân thay vì bắt người dùng phải bóc tách chuỗi số-ký tự loằng ngoẳng ở phía sau tên sản phẩm. Ví dụ, "Core i7 Quad gen 7 3.5GHz" chẳng phải là dễ nhận diện hơn "Core i7-6700HQ" hay sao?
15 năm trước, khi đi ráp PC tôi chỉ cần lựa chọn giữa "Pentium 3 850MHz" với "Pentium 3 933MHz". Điều gì đã xảy ra với Intel vậy?
Tôi không nghĩ rằng Intel sẽ sớm thay đổi các thương hiệu của mình. Các tín đồ PC vẫn sẽ dễ dàng nhận diện từng dòng chip Core, nhưng cuối cùng thì cộng đồng đó vẫn quá nhỏ bé để thực sự làm nên khác biệt cho báo cáo tài chính của Intel. Giá như gã khổng lồ vi xử lý có thể làm cách nào đó để người tiêu dùng phổ thông hiểu rằng con chip Ivy Bridge của họ quá cũ và quá nóng so với Skylake, hay rằng laptop đời mới chạy Core M sẽ tiết kiệm pin tốt hơn Core i3, có lẽ người ta đã mua mới máy tính nhiều hơn. Cuộc đại khủng hoảng PC có lẽ đã không trầm trọng tới vậy.
Theo Genk