Các bệnh viện lúng túng khi "đưa" Thông tư 13 về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu vào thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Có hiệu lực từ 15/8, nhưng đến nay, nhiều bệnh viện, cả tuyến Trung ương lẫn tuyến dưới, đều lúng túng khi áp dụng Thông tư 13 của Bộ Y tế về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Quy định về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu là cần thiết
Quy định về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu là cần thiết

Chưa sát thực tế

Thông tư 13/2023/TT-BYT (sau đây gọi tắt là Thông tư 13) của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu, ra đời ngày 29/6/2023 và có hiệu lực đến 31/12/2023. Việc quy định giá dịch vụ y tế theo yêu cầu là cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, nhiều bệnh viện (BV) vẫn rất lúng túng khi áp dụng Thông tư này.

Tại một hội nghị mới đây do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, bà Hoàng Thị Bích Ngọc - đại diện Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế - cho biết: Để xác định khung giá tối đa và tối thiểu tại Thông tư 13, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến các cơ sở cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu trên cả nước, để thu thập giá dịch vụ làm cơ sở ban hành.

Song, là người tiếp thu ý kiến phản ánh của các giám đốc các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội về những vướng mắc trong việc triển khai Thông tư 13, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, vấn đề căn cơ mà Thông tư 13 chưa đề cập đến là định mức kinh tế - kỹ thuật.

Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong thời gian qua để cho ra đời Thông tư 13, tuy nhiên, còn nhiều nội dung thiếu cập nhật, chắp vá, chưa theo kịp thực tiễn, nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì thế, cần có chiến lược dài hơi để xây dựng, điều chỉnh các văn bản, quy phạm pháp luật” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

VT_KCB 1.JPG
Nhu cầu KCB theo yêu cầu là rất lớn, nên cần có hướng dẫn cụ thể và phù hợp để mang lại lợi ích cho người dân và BV

Giá quy định “cứng” trong khi thị trường thay đổi liên tục

Minh chứng cho ý kiến của giám đốc Sở Y tế Hà Nội, GS.TS. TTND. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - cho biết: Thị trường liên tục thay đổi về giá các thiết bị, vật tư, trong khi, từ lúc Bộ Y tế đề xuất nghiên cứu, xây dựng, thu thập ý kiến, đến khi hoàn thành Thông tư, đã mất thời gian dài. Nhưng Thông tư 13 lại quy định cố định mức giá KCB theo yêu cầu là không phù hợp.

Chính vì thế, từ 15/8, mặc dù BV Phụ sản Hà Nội đã rất nỗ lực để áp dụng Thông tư 13 với khoảng 1.000 danh mục kỹ thuật, nhưng theo GS. Ánh, vẫn không áp dụng được.

GS. Ánh cho biết thêm, không riêng BV Phụ sản Hà Nội mà, đến nay, rất nhiều cơ sở y tế, nhất là các BV tuyến Trung ương, vẫn chưa áp dụng được Thông tư 13.

GS. Ánh cho rằng Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa tính đến các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn, như chọn bác sĩ mổ, chọn giờ mổ, có người trông bé, mát xa mẹ và bé, thanh toán viện phí tại chỗ, có nhân viên chăm bé cả ngày…

Ví như, bệnh nhân “đặt hàng” bác sĩ mổ, chọn mổ vào 3-4h sáng. Nhưng theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn khoảng 500 nghìn đồng cho toàn bộ ê kíp mổ. Như vậy, sẽ không bác sĩ nào nhận mổ với giá trên.

Hay với kỹ thuật mổ đẻ, nạo hút thai, với người bệnh không có sẹo tử cung thì ca mổ được thực hiện rất dễ dàng, nhưng với bệnh nhân đã có 3 lần sẹo mổ thì khó hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn, nguy cơ tai biến cũng cao hơn. Nhưng Thông tư 13 thì chỉ quy định một giá mổ đẻ, tức là tính chung giá cho các ca mổ này.

Bên cạnh đó, một bất cập khác được Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội cho biết thêm là nhiều dịch vụ, mặc dù đã áp dụng mức giá kịch trần, nhưng vẫn không đảm bảo chi phí đầu tư. Ví như xông hơi bằng thuốc có giá tối đa là 100.000 đồng, trong khi tiền thuốc xông là 50.000 đồng, chưa tính các chi phí khác; kỹ thuật sinh thiết phôi có giá tối đa là 10.218.000 đồng/bệnh nhân, nếu bệnh nhân chỉ có 1 phôi thì mức giá này là quá đắt, bệnh nhân có 3 phôi thì mức giá là phù hợp, còn bệnh nhân có 4 phôi trở lên thì mức giá này không đủ chi phí.

Giám đốc một BV đa khoa (ĐK) cho biết giá dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu trong Thông tư 13 chưa phù hợp với chi phí thực tế ở từng đơn vị. Ví như chi phí khấu hao tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội ở BV ĐK Xanh Pôn lớn, do đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc đắt tiền, nên nếu tính đủ chi phí thì sẽ vượt giá tối đa mà Bộ Y tế quy định, còn thu theo khung giá sẽ không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong tự chủ BV.

Trong khi giá dịch vụ KCB theo yêu cầu chính là động lực để các BV thay đổi và phát triển, nên không thể quy định giá trần, mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các công cụ để bảo đảm chất lượng KCB theo yêu cầu tại các cơ sở y tế, như trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là dịch vụ kỹ thuật đặc biệt.

Giám đốc nhiều BV cũng chia sẻ với VietTimes về những vướng mắc trong việc áp dụng Thông tư 13, khi nhiều danh mục liên quan đến giá tối thiểu và giá tối đa có mức chênh lệch tới vài chục triệu đồng và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu tại điều 4 của Thông tư chưa sát thực tiễn.

Theo GS. Ánh, Thông tư 13 quy định các cơ sở KCB phải hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, nhưng theo Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội, điều này rất khó bởi hiện nay, ở các BV công, phần lớn máy móc, thiết bị… đều được sử dụng chung, không thể tách riêng các dịch vụ, trang thiết bị, nguồn nhân lực...

VT_ KCB yêu cầu1.JPG
Chăm sóc bệnh nhân theo yêu cầu

GS. Ánh cũng cho rằng, quy định các cơ sở KCB có trách nhiệm bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh bình quân của năm trước liền kề, là không phù hợp, không rõ ràng.

Bởi đã làm dịch vụ thì phải dựa vào năng lực của từng đơn vị, thay vì đưa ra con số 20% một cách cứng nhắc. Nếu nhiều người sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu thì nên vui mừng, tự hào vì người dân đã có điều kiện tài chính tốt hơn, quan tâm đến sức khỏe hơn, thay vì nói với họ rằng tôi không thể cung cấp dịch vụ nữa vì đã đủ 20%, trong khi mặt bằng và nguồn lực vẫn còn…

“Hơn nữa, những năm trước liền kề đều là những năm ngành Y tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nên năm trước liền kề mà Thông tư 13 đề cập nên được tính như thế nào?” - Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội đặt câu hỏi.

Giám đốc một BV cũng cho rằng, quy định cơ sở y tế phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất (buồng khám, giá dịch vụ theo TCVN-2012) theo Thông tư 13 là chưa thực tế đối với những BV có diện tích chật hẹp, hoặc có ảnh hưởng bởi yếu tố tôn giáo như BV ĐK Xanh Pôn, BV ĐK Đống Đa, BV Việt Nam - CuBa.

Sẽ xem xét, đánh giá tiếp

Trước những lúng túng này, GS.TS Nguyễn Duy Ánh đề xuất: Với các BV tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá đảm bảo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân nhưng vẫn đảm bảo việc thu đúng thu đủ.

Tức là các BV tự chủ tự xây dựng giá, công bố công khai mức giá này mỗi năm và tự chịu trách nhiệm; hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm.

Phản hồi ý kiến của các BV, bà Nguyễn Thị Minh Nga - chuyên viên của Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế - cho biết Thông tư 13 đã được nghiên cứu và xây dựng trong suốt 5 năm, có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ sở y tế. Trước khi Bộ ban hành khung, các cơ sở y tế đều chủ động xây dựng quy định dựa theo năng lực thực tiễn.

“Do vậy, Bộ Y tế phải xây dựng bộ nguyên tắc và phương pháp, dựa trên khảo sát bình quân các cơ sở y tế, để thống nhất mức giá phù hợp nhất, cũng là theo yêu cầu của Quốc hội, để đảm bảo mức giá được kiểm soát và không phải do bác sĩ tự đặt, người bệnh tự theo” - bà Nga nhấn mạnh.

Bà Nga cho biết thêm, các cơ sở y tế có 4 tháng để áp dụng Thông tư 13, sau đó sẽ xem xét, đánh giá để tiếp tục có hướng dẫn.