Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xác nhận tỉnh vừa có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trọng tâm là đóng mới, cải hoán tàu cá cho ngư dân.
Bộ NN&PTNT không biết tàu đánh cá ra sao
Bà Hà cho hay cả 21 mẫu tàu vỏ thép khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ do Bộ NN&PTNT phê duyệt, công bố thiết kế đều chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của ngư dân Bình Định.
Về vấn đề này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết 21 mẫu tàu do Bộ NN&PTNT đưa ra là tàu mẫu, để ngư dân tham khảo, lựa chọn. Thế nhưng khi triển khai, tất cả mẫu đều không đáp ứng yêu cầu thực tế đánh bắt. “Đóng một con tàu cũng giống như làm một cái nhà vậy, phải theo ý chủ nhà mới phù hợp với thực tế, nhu cầu của họ. Do đó phải thiết kế bổ sung, điều chỉnh theo ý của bà con ngư dân” - ông Hổ nói.
Theo phản ánh của nhiều ngư dân, hầu hết mẫu trên đều chưa phù hợp với thực tế, thói quen đánh bắt hải sản, nhiều mẫu khá xa lạ với ngư dân Việt Nam. “Họ thiết kế tàu câu cá ngừ nhưng vị trí đặt giàn câu không đúng với thực tế hiện nay, cửa ra vào hầm tàu cũng không hợp lý; nhiều thiết kế bên trong tàu không phù hợp với thói quen, điều kiện của bà con mình. Thậm chí có mẫu tàu bà con lo về độ an toàn trong điều kiện sóng lớn” - ông Trần Văn Hương (ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) phân tích. Do đó chủ tàu phải tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để sửa đổi, bổ sung thiết kế, trình Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản thẩm định, phê duyệt lại thiết kế.
Vốn quá cao, ngư dân lo đổ nợ
Tuy nhiên, sau khi tư vấn thiết kế đúng theo yêu cầu đánh bắt thực tế của bà con ngư dân thì vốn của những con tàu này được các cơ sở đóng tàu báo là tăng lên cả chục tỉ đồng. Bà Hà cho biết: “Trước đây, khi các nhà máy đóng tàu đến Bình Định làm việc, thông báo dự toán một tàu sắt dự toán khoảng 7-8 tỉ đồng. Nhưng hiện nay, khi ngư dân ký hợp đồng đóng một tàu sắt thì dự toán tăng lên đến 17-18 tỉ đồng”. Theo bà Hà, với mức vốn đầu tư này mỗi năm một chủ tàu phải trả cả vốn gốc và lãi vay đến 1,6-1,8 tỉ đồng trên một tàu đóng mới. Do đó nhiều ngư dân lo lắng không có khả năng để trả nợ vốn vay cho ngân hàng” - bà Hà cho hay.
Theo nhiều ngư dân huyện Hoài Nhơn, với mức dự toán tàu vỏ thép tăng lên 17-18 tỉ đồng, riêng phần vốn đối ứng họ phải bỏ ra 3-4 tỉ đồng, nhiều gia đình bán cả tàu gỗ hiện nay vẫn không đủ. Ông Nguyễn Thành Bình, chủ của ba chiếc tàu gỗ công suất lớn ở xã Tam Quan Bắc, lo lắng: “Tàu lớn, chi phí cao nhưng thời gian đi biển không thể kéo dài vì hiện nay dịch vụ hậu cần ngoài biển còn hạn chế. Do đó, thu nhập khó mà tăng cao để bù chi phí. Trong khi mỗi năm phải trả lãi cùng gốc gần 2 tỉ đồng, nguy cơ đổ nợ là chắc chắn”.
Chẳng ai biết giá thực!
Theo ông Hổ, vấn đề là hiện nay chưa ai xác định giá trị thực của con tàu vì chưa đóng trên thực tế. Trong khi đó, chưa có định mức chi tiết giá đóng tàu, cơ quan thẩm định giá cũng chưa quen thẩm định giá kiểu này.
“Chỉ sợ không đúng giá trị thực của con tàu thì thiệt thòi cho ngư dân, sau này bà con càng khổ. Vấn đề là phải xác định đúng giá trị con tàu” - ông Hổ nói. Theo ông Hổ, với mức dự toán quá cao do các cơ sở đóng tàu đưa ra như hiện nay, bà con sẽ không đủ khả năng thu hồi vốn để trả nợ. “Thật sự chúng tôi lo cho bà con lắm! Do đó chúng tôi đã cảnh báo bà con ngư dân cũng như các cơ quan liên quan phải xem xét lại” - ông Hổ nói.
7-8 tỉ đồng dự toán ban đầu chỉ tính phần khung của tàu (?)
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), cho biết đã nghe phản ánh của ngư dân về việc giá trị tàu vỏ thép sau khi hoàn thiện đã đội lên khá nhiều so với dự trù ban đầu của mẫu tàu. “Đây là điều không ai mong muốn khi triển khai chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép” - ông Trung nói.
Theo ông Trung, mục đích ban đầu khi Bộ NN&PTNT đưa ra mẫu tàu để ngư dân chọn lựa và các đơn vị đóng tàu dựa vào đó để tính toán chi phí cụ thể và tiến hành đóng. Thời điểm giới thiệu các mẫu tàu vỏ thép, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đưa ra mức dự kiến giá trị con tàu khung thép và chưa tính đến các thiết bị nội thất. “Mẫu tàu giống như phần khung của ngôi nhà, khi hoàn thiện cần phải sắm sửa các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất,… Thiết bị nội thất càng nhiều tiền thì chất lượng càng cao, bảo đảm hoạt động lâu dài. Các thiết bị đó là tài sản do từng ngư dân mua sắm và tùy thuộc vào sự chọn lựa của từng cá nhân” - ông Trung cho hay.
Con tàu khi hoàn thiện sẽ phải tính theo giá cả thị trường và sự thỏa thuận của ngư dân với đơn vị đóng tàu. Cơ quan nhà nước không thể can thiệp vào vấn đề này mà chỉ có các giải pháp hỗ trợ phần nào đó về lãi suất cho vay ngân hàng. Trong trường hợp nếu ngư dân thấy băn khoăn thì có thể chọn lựa phương án đóng tàu vỏ gỗ với chi phí đầu tư sẽ giảm đi. Tất nhiên về lâu dài, đầu tư tàu vỏ thép sẽ tốt hơn, bảo đảm an toàn sản xuất lâu dài, khai thác ở vùng biển xa hơn, hiệu quả sản xuất cao hơn.
Ông Vũ Thái Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản, cho hay khi ban hành các mẫu tàu, cơ quan đăng kiểm phụ trách về vấn đề kỹ thuật con tàu, còn các chi phí phát sinh cụ thể về vật tư đóng mới đều do đơn vị đóng tàu tính toán. Cụ thể, “khi đó chúng tôi chỉ đưa ra dự trù vật tư và khái toán chứ không dự toán, có nghĩa là không đi vào chi tiết giá từng hạng mục. Việc thẩm định giá cho từng con tàu sẽ do Sở Tài chính các tỉnh thực hiện hoặc khi các ngân hàng tiến hành thẩm định hồ sơ cho vay có thể nhờ đến đơn vị độc lập thẩm định giá trị thực của tàu để xem dự toán đơn vị đóng tàu đưa ra có chính xác hay không” - ông Hệ nói.
TRÀ PHƯƠNG
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà, trong kế hoạch thực hiện Nghị định 67, năm nay tỉnh Bình Định sẽ đóng mới 200 tàu cá khai thác, tàu dịch vụ hậu cần. Trong đợt 1, tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách 37 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá, trong đó có 24 tàu vỏ thép, 10 tàu vỏ gỗ, hai tàu vỏ composite, một tàu vỏ gỗ bọc composite. Hiện tỉnh Bình Định đang tổng hợp phê duyệt danh sách 41 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới cho đợt 2, trong đó có 24 tàu vỏ thép, 16 tàu gỗ…
Nhưng vì thực tế này, đến nay chỉ mới có bốn chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngoài ra, 10 chủ tàu đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Vinashin) đóng mới tàu vỏ thép nhưng đang phân vân, chưa ký hợp đồng với các ngân hàng để vay vốn.
Theo PLTP