Chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc cho biết sẽ xem xét lại thỏa thuận giữa Qualcomm và NXP, Gã khổng lồ bán dẫn tuyên bố đã hết động lực mua NXP và sẽ không tìm cách “hồi sinh” thương vụ trị giá 44 tỷ USD.
Qualcomm đã từ bỏ tham vọng thâu tóm NXP từ tháng 7 vì không được chính phủ Trung Quốc phê duyệt. Công ty đã lên kế hoạch và lần đầu ngồi vào bàn đàm phán với NXP vào tháng 10/2016.
Nhà sản xuất chip xử lý cho smartphone số 1 thế giới, Qualcomm có trụ sở tại San Diego, California. Còn NXP đặt trụ sở tại Eindhoven, Hà Lan. Hai công ty cần sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc bởi thương vụ được thực hiện trên quốc gia này.
Ảnh: Forbes
|
Sau cuộc đàm phàn cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, Nhà Trắng cho biết Trung Quốc đang để ngỏ khả năng “phê duyệt thỏa thuận trước đây chưa được thông qua” giữa Qualcomm và NXP.
Tuy nhiên, Qualcomm nói sẽ không “hồi sinh” vụ thâu tóm NXP: “Mặc dù chúng tôi rất cảm kích ý kiến của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập về vụ mua lại NXP của Qualcomm trước đây, nhưng thời hạn giao dịch đã hết, chấm dứt thỏa thuận dự tính”. Đại diện Qualcomm khẳng định: “Qualcomm cho rằng vụ việc đã chấm dứt”.
Phía NXP từ chối đưa ra bình luận
Tại sao vụ Qualcomm mua NXP bỗng dưng được lật lại?
Ngày 3/12, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã tiết lộ trong cuộc họp báo rằng Tổng thống Trump đã đề cập tới trường hợp của Qualcomm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Kudlow cho biết sự cởi mở từ phía Trung Quốc đối với thỏa thuận này là dấu hiệu của sự hợp tác trên nhiều mặt, bao gồm cả sáp nhập doanh nghiệp. Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc đang khuyến khích thực hiện những giao dịch tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn.
Chuyên gia phân tích Scott Kennedy từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã chia sẻ nhận định trên blog cá nhân: “Mặc dù không thể hồi sinh thương vụ mua lạị, nhưng nhận xét của ông Tập cho thấy rõ ràng chính sách chống độc quyền của Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng bởi chính trị”.
Trước khi đóng cửa phiên giao dịch tại sàn New York, cổ phiếu của Qualcomm và NXP đã đồng loạt tăng giá (1,5% và 2,75%).
Ảnh: AP
|
Cả Qualcomm và NXP không hề vận động hành lang để chính quyền Trump đưa vụ mua lại ra trong cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc tại Buenos Aires. Cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo vốn được dự đoán phần lớn xoay quanh rào cản thuế quan.
Thậm chí, 2 công ty còn rất ngạc nhiên khi vụ việc bỗng dưng nổi lên. Theo nguồn tin của Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ động nhắc Tổng thống Trump về thương vụ Qualcomm và NXP.
Thực tế, chính quyền Trump đã thất bại trong nỗ lực vận động Trung Quốc phê duyệt thương vụ giữa Qualcomm và NXP hồi đầu năm 2018. Khi được hỏi về trường hợp của Qualcomm, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối trả lời.
Các chuyên gia cho rằng Qualcomm muốn thâu tóm NXP để đa dạng hóa doanh thu. Công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Hà Lan sẽ giúp Qualcomm gia tăng sức ảnh hưởng trên thị trường chip ô tô đang phát triển và giảm sự phụ thuộc vào thị trường smartphone.
Vướng mắc tại Trung Quốc dẫn tới thương vụ giữa Qualcomm và NXP đã đổ bể, Qualcomm phải trả cho NXP khoản phí bồi thường 2 tỷ USD. Để xoa dịu các cổ đông của hãng, Qualcomm đã bắt tay vào mua lại số cổ phiếu trị giá 30 tỷ USD, để trả cho họ hầu hết số tiền sử dụng trong thỏa thuận với NXP. Trong 12 tháng qua, công ty đã tiêu tốn 20 tỷ USD cho việc mua lại cổ phần. Tương tự, NXP cũng đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu của chính mình trị giá 5 tỷ USD.
Có đơn giản chỉ vì vụ thâu tóm NXP của Qualcomm
Ảnh: Axios
|
Hãng tin Reuters cho biết nhiều giao dịch giữa các công ty bán dẫn đã đóng băng sau khi thỏa thuận giữa Qualcomm và NXP đổ bể. Đơn giản bởi họ sở hữu cơ sở sản xuất tại Trung Quốc và cần sự phê chuẩn pháp lý tại đó. Giờ đây, với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, các công ty chip có thể lạc quan hơn về cơ hội điều tiết tại Trung Quốc.
Ví dụ điển hình là Xilinx Inc, một công ty bán dẫn Mỹ có sự hiện diện lớn tại Trung Quốc. Công ty chuyên cung cấp chip cho thiết bị mạng viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng đang cạnh tranh để mua lại nhà sản xuất chip Isarel, Mellanox Technologies.
Gần đây nhất là vụ KLA-Tencor Corp đang chờ mua lại nhà sản xuất linh kiện bán dẫn đồng Orbotech của Isarel, Thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD công bố hồi tháng 3 vẫn đang chờ cái gật đầu của chính phủ Trung Quốc. Giám đốc điều hành KLA-Tencor kỳ vọng 2 bên sẽ hoàn thành giao dịch vào cuối năm 2018,
Cho tới nay, các vụ sáp nhập trong lĩnh vực khác của doanh nghiệp Mỹ đã nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc. Tháng trước, Trung Quốc đã thông qua thỏa thuận mua lại United Technologies Corp trị giá 30 tỷ USD của hãng sản xuất máy bay Rockwell Collins, và vụ thâu tóm công ty giải trí Twenty-First Century Fox trị giá 71,3 tỷ USD của Walt Disney.
Mặt khác, các công ty Trung Quốc hiếm khi đề cập tới việc mua lại một công ty Mỹ, đặc biệt sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) được lệnh rà soát rủi ro an ninh tiềm ẩn trong các giao dịch. Ngoài ra, Washington đang thông qua một số cải cách để tăng quyền hạn giám sát của CFIUS.
Theo Reuters