Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, sau 4 đợt chi trả bồi thường, Thủ tướng Chính phủ đã tạm cấp cho 4 tỉnh với tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng theo đề xuất bồi thường, hỗ trợ của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường vừa qua. Tính đến ngày 31/5/2017, 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã giải ngân được 4.599 tỷ đồng.
Về xử lý hàng hải sản tồn kho, báo cáo cho biết: Tổng số hải sản lưu kho sau khi phân lô, lấy mẫu, kiểm nghiệm được thu mua từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2016 tại 4 tỉnh miền Trung đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và được Kết luận tại cuộc họp lần 3 của Ban chỉ đạo là 5.369 tấn.
Sau khi 4 đoàn liên ngành đi kiểm tra cuối tháng 3/2017, các tỉnh báo cáo là 6.769 tấn (trong đó, hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm là 5.644 tấn, hải sản không an toàn thực phẩm là 1.125 tấn), tăng lên 1.400 tấn (Quảng Trị 1.355 tấn, Hà Tĩnh 211 tấn).
Tính đến ngày 30/5/2017, 4 tỉnh miền Trung đã tiêu huỷ hoàn toàn 1.125 tấn hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm. Với hàng hải sản lưu kho bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương và chủ hàng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ.
Về ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, Báo cáo của các tỉnh cho biết, hoạt động sản xuất thuỷ sản, du lịch, đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2017. Phó thủ tướng yêu cầu “các tỉnh rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm không còn người dân nào thuộc đối tượng được đền bù nhưng chưa được kê khai, thống kê thiệt hại".
Đồng thời, Bộ NN&PTNT khẩn trương thẩm tra, xác định kinh phí bồi thường thiệt hại theo Quyết định 1880 và Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ mà 4 tỉnh gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, cập nhật kết quả giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm hải sản tầng đáy ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung, công bố công khai vào thời gian tới.
Về dự án phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thuỷ sinh và nguồn lợi thuỷ sản, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ NN&PTNT rà soát, nghiên cứu phạm vi thực hiện, tập trung vào khu vực có môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố môi trường biển.
Đối với dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Bộ TN&MT cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát, xác định đối tượng dự kiến kinh hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo đảm không trùng lặp với các chính sách hiện hành khác.
Phó Thủ tướng lưu ý, trước mắt chưa cho phép ngư dân đánh bắt, khai thác và sử dụng hải sản tầng đáy vùng biển từ 20 hải lý trở vào. Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với chính quyền 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát, vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 4 tỉnh từ 20 hải lý vào bờ, chờ kết quả của Bộ Y tế kiểm tra.
Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH&CN, UBND các tỉnh tiếp tục theo dõi, cập nhật, công khai chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại 4 tỉnh miền Trung.
Đối với các vấn đề khác, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ cụ thể cho các vùng khó khăn gồm đầu tư xây dựng công trình dân sinh…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Riêng với Bộ TT&TT cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo cơ quan báo chí tăng cường đưa tin, tạo tâm lý yên tâm triển khai các hoạt động sản xuất, tiêu dùng hải sản, sử dụng các dịch vụ du lịch tại 4 tỉnh miền Trung.
“Các cơ quan báo chí đưa tin khách quan, đầy đủ, nói lên được tinh thần quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề này, nhất là việc công khai tất cả các vấn đề liên quan để người dân nắm bắt, kể cả tuyên truyền các hoạt động gây rối trật tự của một số phần tử xấu. Cơ quan truyền thông cần đưa thông tin chính thống, có trách nhiệm, tránh giật gân, câu khách” - Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.