Bộ Y tế đề nghị Pháp hỗ trợ xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống HIV/AIDS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ Y tế đề nghị các nhà khoa học quốc tế, ANRS-MIE tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt, là hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có buổi làm việc với các nhà khoa học quốc tế và đề nghị hỗ trợ Việt Nam về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có buổi làm việc với các nhà khoa học quốc tế và đề nghị hỗ trợ Việt Nam về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Trong khuôn khổ hội nghị khoa học ANRS-MIE do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu HIV/AIDS, viêm gan siêu vi và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (ANRS-MIE) của Pháp tổ chức tại Hải Phòng, sáng nay, 15/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có buổi làm việc với các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị.

Trước đó, chiều 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp GS. Francoise Barré Sinoussi để trao đổi, nghiên cứu về hợp tác giữa Pháp - Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống HIV, lao, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Thủ tướng đề nghị Pháp nói chung, Viện Pasteur và GS. Francoise Barré-Sinoussi nói riêng, khuyến khích các nhà khoa học triển khai nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà khoa học, của ANRS-MIE cho Việt Nam cả về kỹ thuật và tài chính, để thực hiện hơn 40 đề tài nghiên cứu cơ bản ở các lĩnh vực, nghiên cứu sinh học – lâm sàng và nghiên cứu khoa học xã hội, tập trung vào phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Các dự án ANRS-MIE cũng góp phần thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ kỹ thuật mới vào nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi, cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị tham gia nghiên cứu; đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng hội nghị ANRS-MIE lần này là cơ hội để cộng đồng các nhà khoa học của Việt Nam và Pháp cùng các nước tham gia các nghiên cứu do ANRS tài trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như đưa các kết quả nghiên cứu vào thực hành, vận động chính sách.

VT_ Thu trương va Cuc trương.JPG
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương làm việc với các nhà khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các nhà khoa học quốc tế tiếp tục hỗ trợ triển khai các nghiên cứu, đặc biệt là về các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phê duyệt các đề xuất viện trợ do Quỹ Toàn cầu tài trợ và huy động thêm nguồn ngân sách cấp từ cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng cũng đề nghị Pháp mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ khoa học, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, triển khai các đề tài nghiên cứu ANRS-MIE tại Việt Nam.

Bộ Y tế cũng đề nghị Pháp xây dựng các chính sách, năng lực hệ thống để đáp ứng mục tiêu chấm dịch HIV/AIDS vào năm 2030; Hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán về giá thành thuốc điều trị viêm gan C, sinh phẩm xét nghiệm tải lượng HIV; hỗ trợ vaccine đậu mùa khỉ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vaccine sốt xuất huyết; Tư vấn cho Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động cấp quốc gia về mở rộng các can thiệp dự phòng và điều trị toàn diện, hướng đến chấm dứt dịch AIDS vào 2030.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Pháp hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

VT_Pháp.JPG
Các nhà khoa học quốc tế danh tiếng trong lĩnh vực dự phòng đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế nhiều giải pháp nhằm hướng tới kết thúc dịch bệnh tại Việt Nam

GS. Sharon Lewin - thành viên Ban điều hành của Liên minh quốc tế loại trừ virus viêm gan B (ICE-HBV), người điều hành Mạng lưới virus học toàn cầu, Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của ANRS/MIE của Pháp - khẳng định: Với việc ngày càng nhiều người tham gia sử dụng Prep, Việt Nam đang đi đúng hướng.

VT_ GS Sharon.JPG
GS. Sharon Lewin - thành viên Ban điều hành của Liên minh quốc tế loại trừ virus viêm gan B, người điều hành Mạng lưới virus học toàn cầu - góp ý cho Việt Nam trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm

GS. Sharon Lewin cho rằng các yếu tố then chốt để đảm bảo thành công là thuốc miễn phí - sự lãnh đạo, cam kết chính trị và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng. Chỉ có thể thông qua mô hình dựa vào cộng đồng để tăng tỷ lệ sử dụng Prep ở cộng đồng. Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng để quản lý tốt các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, lao, HIV, và năng lực lab, để chuẩn bị tốt cho ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

VT_GS Nobel.JPG
GS. Francoise Barré Sinoussi - người được giải Nobel Y học năm 2008 vì đã phát hiện ra virus HIV - tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam

Đặc biệt, ngoài vaccine mà Việt Nam quan tâm, có thể có những phương pháp khác, như về sốt xuất huyết, Úc nghiên cứu điều chỉnh gien của muỗi để không truyền bệnh.

Tại buổi làm việc, GS. Francoise Barré Sinoussi - người được giải Nobel Y học năm 2008 - bày tỏ: Việt Nam đã thực sự thành công trong công cuộc phòng, chống HIV và hy vọng Việt Nam tiếp tục các chiến lược, kế hoạch lấy bệnh nhân làm trung tâm để ứng phó với các bệnh dịch.

Nhắc về buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 14/11/2023, GS. Francoise mong muốn với nội dung chỉ đạo của Thủ tướng, Việt Nam sẽ có phương thức để phê duyệt các đề án xin viện trợ, nhằm đảm bảo không gia tăng kháng thuốc ARV và Lao

Chủ nhân của Giải Nobel vui mừng khi Thứ trưởng Bộ Y tế cam kết không để chậm trễ khi thực hiện các qui trình thẩm định, phê duyệt dự án nghiên cứu ở Việt Nam - một nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế trong việc xây dựng và thực hiện các đề án hợp tác nghiên cứu.