Hội thảo khoa học quốc tế ANRS-MIE với chủ đề “Hướng tới kết thúc dịch bệnh tại Việt Nam” đã khai mạc tại Hải Phòng sáng nay, 15/11, nhân 40 năm phát hiện ra vi rút HIV.
GS. Francoise Barré Sinoussi - người đã được giải Nobel y học năm 2008 vì đã phát hiện ra HIV, nguyên Điều phối viên phía Pháp cho các điểm nghiên cứu của ANRS tại Việt Nam - đã tham dự cùng GS. Sharon Lewin - Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế; GS. Yazdan Yazdanpana - Giám đốc ANRS-MIE.
Hội thảo khoa học “Hướng tới kết thúc dịch bệnh tại Việt Nam” do Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam Bộ Y tế, Cơ quan Nghiên cứu HIV/AIDS, viêm gan siêu vi và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (ANRS-MIE) của Pháp và Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tổ chức. Ngài Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam - đã tham dự.
Hội thảo ANRS-MIE đã quy tụ các nhà khoa học, các nhà chính sách, cộng đồng để chia sẻ những đột phá khoa học của Việt Nam và khu vực, cũng như những thách thức mới trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu của ANRS-MIE.
Phát biểu tại hội nghị khoa học, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ: Từ hợp tác khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu và phòng, chống HIV/AIDS giữa Bộ Y tế Việt Nam với ANRS-MIE của Pháp được ký kết, nhiều nghiên cứu đã được triển khai. Tiêu biểu nhất là đã thiết lập một điểm nghiên cứu về HIV/AIDS ở khu vực Đông Nam Á, tạo cơ sở để phát triển toàn diện, lâu dài hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về vi rút viêm gan, HIV/AIDS và các bệnh liên quan.
Nhờ đó Việt Nam đã được chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng kịp thời phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, chăm sóc và điều trị bệnh nhân; nâng cao trình độ của cán bộ và đào tạo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm phân tử, nhiều tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo tại Pháp; cung cấp trang thiết bị nghiên cứu; góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm liên quan cũng như các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Việt Nam.
Với việc tổ chức hội thảo khoa học ANRS-MIE, Bộ Y tế Việt Nam và ANRS-MIE mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận, phản hồi của các nhà khoa học, nhằm triển khai hiệu quả các nghiên cứu, cũng như xây dựng kế hoạch nghiên cứu phù hợp trong thời gian tới.
Ông Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam - cho biết, hợp tác y tế là một trong những trụ cột trong quan hệ hợp tác song phương giữa Pháp và Việt Nam. Pháp cam kết đầu tư vào các dự án mang tính đoàn kết, cụ thể đối với Quỹ Toàn cầu về phòng bệnh lao, sốt rét trong giai đoạn 2023-2025… Hội thảo hôm nay là nguồn cảm hứng để Pháp đưa ra một chương trình hợp tác sâu hơn nữa phục vụ cho những nhu cầu của Việt Nam cũng như của Pháp về y tế.
Hội nghị đã tiến hành 7 phiên thảo luận dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương và GS. Sharon Lewin, GS. Laurence WEISS với sự thuyết trình của các chuyên gia về ANRS-MIE trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học đã cập nhật tiến độ, chia sẻ những kết quả mới nhất của các nghiên cứu về HIV/AIDS, virus viêm gan, các bệnh truyền nhiễm mới nổi… và định hướng nghiên cứu về các lĩnh vực này trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
Giáo sư Sharon Lewin (Đại học Melbourne, Úc) mang tới thông tin “Hướng tới chữa khỏi HIV – cập nhật từ thử nghiệm lâm sàng mới”; ông Bùi Hoàng Đức (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) báo cáo về “Tình hình dịch HIV và những thách thức lớn ở Việt Nam”.
Chuyên gia Pháp, Nicolas Nagot chia sẻ kinh nghiệm “Kết thúc dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy: Kinh nghiệm tại Hải Phòng”; Chuyên gia HIV Lê Minh Giang của Trường Đại học Y Hà Nội cung cấp thông tin về “Phòng khám thân thiện với MSM cung cấp dịch vụ dự phòng HIV toàn diện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội”.
Bên cạnh đó là công trình nghiên cứu “Ca nhiễm HIV và tình trạng kháng thuốc ở nam quan hệ tình dục đồng giới sử dụng PrEP: Dữ liệu từ dự án SATREPS” của chuyên gia Mokeo NAGAI.
Tại hội thảo, đại diện WHO tại Việt Nam - Sangjun MOON - đã có những thông tin quan trọng về “Công tác chuẩn bị ứng phó đại dịch ở Việt Nam”.
Các chuyên gia cũng thảo luận về “Tỷ lệ lưu hành và các yếu tố quyết định tình trạng hậu COVID-19 ở người lớn tại Hải Phòng”, về kiểm soát các bệnh nhiễm trùng mạn tính và mới nổi, tác động của các chính sách giảm thiếu COVID ở các quy mô khác nhau, vai trò của thuốc kháng vi-rút trong việc chuẩn bị cho đại dịch; công tác phòng chống sốt xuất huyết ở Việt Nam.
Các nghiên cứu này sẽ được tập hợp, nghiên cứu thêm để ứng dụng vào thực tiễn phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam với mục đích chấm dứt dịch vào 2030 - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDSPhan Thị Thu Hương cho biết.