Chiều ngày 27/7, bên lề cuộc họp báo thường kỳ, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề xử lý sai phạm của cao ốc 8B Lê Trực (giai đoạn 2).
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đề xuất trên về tháo dỡ giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực mới chỉ là ý kiến của doanh nghiệp. Hà Nội đang xem xét, đánh giá cụ thể tác động ra sao, rồi mới có giải pháp xử lý hiệu quả, hợp lý nhất
“Theo lý giải của Công ty Phương Bắc, họ đã hạ chiều cao tòa nhà 1-2 tầng rồi. Tuy nhiên, giai đoạn 2 nếu triển khai có khả năng động chạm tới toàn bộ kết cấu tòa nhà, có thể phải phá dỡ nhiều hơn nữa...." - ông Hùng nói.
Còn đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, việc xử lý sai phạm của công trình 8B Lê Trực đã kéo dài vài năm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo. Về đề xuất phá cả tòa nhà thì mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp. Về nguyên lý, thẩm quyền xử lý việc phá dỡ này thuộc về UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội.
Trước đó, trả lời VietTimes cũng về vấn đề này, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc triển khai phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực đã được UBND thành phố giao quận Ba Đình xử lý. Việc phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2 cần phải nghiên cứu kỹ, có ý kiến của bên tư vấn thiết kế.
Tòa nhà 8B Lê Trực đã được Công ty Phương Bắc thực hiện phá dỡ phần sai phạm xong giai đoạn 1.
|
Trước đó, Công ty CP hạ tầng Phương Bắc có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc xử lý cưỡng chế sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2.
Theo đó, muốn phá dỡ thì phải gia cố kết cấu tòa nhà trước. Cụ thể là phải bổ sung 02 cột gia cường chống hàng cột ngoài trục D, từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng.
Do dầm treo bị phá dỡ, nên hệ treo không còn tác dụng. Vì vậy cần kiểm định khả năng an toàn chịu lực của 02 cột phía bên trên các cột được gia cường (từ tầng 3 tới tầng 17) do các cột thay đổi trạng thái chịu lực.
Trên lý thuyết để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố 02 cột từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng.
Để gia cố được 02 cột này, phải đưa máy móc thiết bị vào, bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn. Nhưng công trình đã xây xong phần thô và đang hoàn thiện, nên không có chỗ đặt máy để thực hiện. Nên không thể gia cố được 02 cột dầm đảm bảo kỹ thuật và an toàn.
Công trình này là kết cấu dầm treo (tương tự kết cấu cầu treo), nên không phải như một công trình kết cấu thường, hay như một đống gạch cứ dỡ từ trên xuống là được. Muốn phá dỡ phải gia cố 02 cột để thay cho dầm treo.
Theo Công ty Phương Bắc, nếu tiến hành phá dỡ giai đoạn 2 thì phải phá bỏ cả tòa nhà, rất lãng phí tài sản xã hội, hiện nay chưa có văn bản, quy định nào cho phép phá bỏ cả tòa nhà.
Vì vậy, Phương Bắc kính đề nghị các cơ quan chức năng cho xử lý dứt điểm giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực theo hướng tích cực nhất, đảm bảo vừa ích Nước vừa lợi dân mà vẫn đảm bảo giữ vững kỷ cương phép nước.
Cụ thể, nếu công trình không trình không làm ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, Công ty Phương Bắc đề nghị cho đo đạc toàn bộ số m2 sai phạm giai đoạn 2, yêu cầu chủ đầu tư mua lại bằng giá giao dịch bán căn hộ đã ký với người dân, nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Như vậy, đã triệt tiêu được toàn bộ lợi ích của chủ đầu tư từ việc xây dựng sai phạm, tương đương bằng việc phá dỡ rất lãng phí tài sản xã hội.