Báo cáo nhằm đánh giá hiện trạng mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó thể hiện kết quả triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử, đặc biệt là Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử (Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ).
Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước được đánh giá trên 6 nhóm tiêu chí: hạ tầng kỹ thuật CNTT; triển khai ứng dụng CNTT; trang/cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Theo kết quả đánh giá, chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được đánh giá cơ bản đều ở mức cao: Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp là các Bộ có Chỉ số ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ ở mức cao nhất trong số các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Về chỉ số trang/cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016 vươn lên vị trí thứ 2 sau Bộ Y tế, tăng 2 bậc so với đánh giá Báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ là những bộ đứng đầu về số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Về chỉ số Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ bản cũng được đánh giá ở mức cao, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Ngân hàng nhà nước.
Chỉ số Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng được đánh giá cao, thấp nhất là Bộ Công thương và Thanh tra chính phủ chỉ số cũng đạt từ 0,8 trở lên.
Trong khối cơ quan thuộc Chính phủ, do mỗi cơ quan thuộc Chính phủ có đặc thù chuyên môn riêng nên mức độ triển khai ứng dụng CNTT của từng cơ quan là khác nhau, nhưng về tổng thể, các cơ quan đều đã chú ý triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công việc, công tác quản lý, điều hành cũng như để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách trong triển khai giữa các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh, thành phố còn khó khăn.
Đánh giá tổng thể theo báo cáo cho biết, công tác ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử đã được lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua, thể hiện qua việc từ quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch, chính sách đến công tác triển khai và kiểm tra đánh giá, thu hút và hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách CNTT.
Kết quả ứng dụng CNTT đã góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Về hạ tầng kỹ thuật CNTT
Báo cáo đánh giá các Bộ ngành và địa phương đã trang bị tương đối đầy đủ máy tính cho cán bộ, công chức để phục vụ xử lý công việc. Tại địa phương, khoảng cách về hạ tầng CNTT giữa các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh còn khó khăn đã giảm mạnh. Dù vậy tại một số tỉnh vùng miền núi vẫn cần được quan tâm đầu tư thêm về hạ tầng như Sơn La, Lai Châu,...
Việc xây dựng mạng diện rộng (WAN) và kết nối các cơ quan vào mạng WAN tại các Bộ, ngành và địa phương ngày càng cao, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục được đầu tư, đẩy mạnh để tạo điều cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước được thuận lợi và nâng cao khả năng bảo vệ an toàn cho việc trao đổi thông tin.
Triển khai Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan (ứng dụng nội bộ)
Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, công tác triển khai ứng dụng CNTT ngày càng mang lại hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của lãnh đạo, rút ngắn thời gian trao đổi hồ sơ công việc của cơ quan và giữa các đơn vị.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh dẫn đầu về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan vẫn thuộc về các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có những tỉnh vùng xa, vùng miền núi triển khai tốt nội dung này như Lào Cai, Đồng Tháp, Cà Mau... vẫn còn có sự chênh lệch lớn về mức độ ứng dụng CNTT giữa các tỉnh dẫn đầu và các tỉnh phía dưới. Số lượng tỉnh được đánh giá ở mức độ trung bình vẫn cao.
Trang/cổng thông tin điện tử
Hiện nay, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đã trở thành một trong các kênh cung cấp thông tin và giao tiếp chính giữa cơ quan với người dân và doanh nghiệp. Các Bộ, ngành và địa phương càng ngày càng cung cấp nhiều thông tin, số liệu về hoạt động của cơ quan lên Website/Portal và cập nhật kịp thời góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Từng bước tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, có giải trình, người dân có đầy đủ thông tin từ đó thúc đẩy việc phản biện, hiến kế cho cơ quan nhà nước; giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng biết ngay được các chủ trương, chính sách mới của nhà nước...
Tuy nhiên, trong việc cung cấp thông tin lên Website/Portal, việc cung cấp thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, thông tin thống kê vẫn còn nhiều hạn chế, đây là nội dung cần chú ý đẩy mạnh để hướng tới cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ theo xu hướng chung của thế giới.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Trong năm 2016, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được các cơ quan cung cấp ngày càng tăng. Các Bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả cao (có hàng trăm nghìn đến hàng triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến) là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Các tỉnh, thành phố có nhiều hồ sơ được giải quyết trực tuyến là thành phố Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang.
Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian, thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay còn có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại nhiều địa phương có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp. Nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin.
Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT
Việc xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT đã được các cơ quan quan tâm hơn. Ngoài việc định kỳ xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, các Bộ ngành và địa phương đều đã ban hành nhiều chính sách khác để thúc đẩy công tác ứng dụng CNTT như chính sách về thu hút nguồn nhân lực CNTT, chính sách gắn ứng dụng CNTT với cải cách hành chính và những quy định cụ thể cho việc sử dụng các hệ thống ứng dụng như quy định về sử dụng thư điện tử, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành...
Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT
Trên cả nước, việc các cán bộ, công chức, viên chức sử dụng máy tính để giải quyết công việc đã trở thành thường xuyên hơn.
Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: nguồn nhân lực đều đạt mức khá và tốt. Tại địa phương, trên 90% các cơ quan chuyên môn (Sở, ban, ngành) và ủy ban nhân dân các quận, huyện đã có cán bộ chuyên trách CNTT. Các tỉnh, thành phố đã chú ý tới việc thu hút cán bộ chuyên trách CNTT, có 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy định về chế độ ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Lượng cán bộ chuyên trách CNTT trung bình tại các cơ quan của tỉnh (Sở, UBND cấp quận, huyện) là 2,84 người/cơ quan. Phần lớn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ.