Bộ TT&TT chưa cấp phép cho game bài, game bắn súng

Để hạn chế những tiêu cực có thể gây ra cho xã hội, Bộ TT&TT tạm thời chưa xem xét thẩm định đối với các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng chưa xem xét thẩm định các game bắn súng có yếu tố bạo lực cao.
Hầu hết các doanh nghiệp game đều có vi phạm khi cung cấp dịch vụ.
Hầu hết các doanh nghiệp game đều có vi phạm khi cung cấp dịch vụ.

Phát biểu tại cuộc họp do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game vào chiều 8/4/2016, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, qua theo dõi hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhận thấy các doanh nghiệp có sai phạm phổ biến như: Phát hành trò chơi không có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng. Không có chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng. Có giấy phép cung cấp dịch vụ nhưng phát hành trò chơi G1 khi chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản, đáng chú ý là gần như 100% doanh nghiệp có vi phạm này.

Một số doanh nghiệp còn phát hành game sử dụng quân bài, mô phỏng các trò chơi trong casino không phép. Có tình trạng cho người chơi chuyển đổi điểm thưởng, tài sản ảo trong trò chơi thành các hiện vật, tài sản có giá trị. Hành vi quảng cáo game không phép, hoặc nội dung quảng cáo phản cảm. Nhiều doanh nghiệp thay đổi nội dung, kịch bản trò chơi,cập nhật phiên bản mới nhưng không báo cáo.

Cũng theo bà Huyền, một số cổng game như sohagame, zingplay cho phép phát hành game không phép của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp game còn mắc phải một số sai phạm khác như: chưa có báo cáo kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với các trò chơi đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản theo quy định tại điều 29, Thông tư 24/2014/TT-BTTTT. Không thông báo thời gian chính thức cung cấp dịch vụ theo quy định, không thực hiện báo cáo định kỳ. Có những doanh nghiệp quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ trên thực tế.
Bà Huyền cho biết, Bộ TT&TT hiện đang có chủ trương sẽ rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ không có giấy phép, phát hành trò chơi không có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản, đồng thời Bộ TT&TT cũng có giải pháp đối với các trò chơi của nước ngoài phát hành không phép tại Việt Nam.
Đồng thời, kể từ ngày 4/3/2016, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép và quyết định thẩm định nội dung, kịch bản, đối với các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ, phát hành game không phép ra thị trường. Bộ TT&TT sẽ chỉ xem xét, thẩm định, cấp phép cho các doanh nghiệp và cho các game này sau khi đã xử phạt vi phạm hành chính, và doanh nghiệp phải dừng cung cấp dịch vụ game không phép.
Đối với thể loại game bài và game bắn súng, Bộ TT&TT có chủ trương sẽ tạm thời chưa xem xét thẩm định đối với game sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng tạm thời chưa thẩm định các game bắn súng có yếu tố bạo lực cao, có hình ảnh nhân vật người, súng kết hợp với các vũ khí khác tương đối giống với thật, người chơi có cảm giác như được quan sát, tham gia trận đấu thực sự với hình ảnh, âm thanh sống động, người chơi sẽ điều khiển nhận vật để bắn đối phương là nhân vật người; các nhân vật có đồ họa giống vũ khí và người thật ở cự li gần, nhìn rõ, tạo cảm giác giống thật.
Ông Nguyễn Phan Phúc, Phó phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, sắp tới Thanh tra Bộ TT&TT sẽ mở rộng hơn các đối tượng thanh kiểm tra, kể cả với dòng game G2, G3. Thanh tra Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác để xử lý các vi phạm và thông báo rộng rãi kết quả xử lý với các cơ quan truyền thông.
M.Q