Đó là lưu ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 vừa diễn ra chiều ngày 19/12.
Theo báo cáo của Chánh Thanh tra Bộ Đặng Anh Tuấn, năm 2016, Thanh tra Bộ đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, Thanh tra Chính phủ, chủ động sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình kế hoạch công tác đã đề ra. Đồng thời, Thanh tra Bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác đột xuất ngoài kế hoạch; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc mới phát sinh do lãnh đạo Bộ giao.
Qua các cuộc thanh tra, nhiều hành vi vi phạm như SIM rác, phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung ứng dịch vụ chuyển phát không có giấy phép, phát hành xuất bản phẩm không có quyết định phát hành, báo chí thông tin sai sự thật; trong hoạt động thông tin điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân, cá nhân thiết lập hệ thống để cung cấp trò chơi điện tử trái phép trong đó có nhiều game có tính chất cờ bạc, mạng xã hội không có giấy phép với nội dung dung tục, vi phạm bản quyền; nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam không đăng ký hoạt động, trốn thuế… được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò quản lý nhà nước của Bộ TT&TT trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản, thông tin điện tử...
Theo đó, trong năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra hành chính 4 cuộc theo kế hoạch (đạt 100%); thanh tra chuyên ngành 45 cuộc (theo kế hoạch 31 cuộc và đột xuất 14 cuộc đạt 145% kế hoạch được giao). Đặc biệt, Thanh tra Bộ đã đề xuất trình Bộ trưởng thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối (theo Quyết định 1911/QĐ-BTTTT ngày 01/01/2016 của Bộ trưởng Bộ TT&TT); Phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT tổ chức thành công một cuộc thanh tra diện rộng việc chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực TT&TT… Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã chỉ ra và yêu cầu các đơn vị được thanh tra khắc phục thiếu sót, vi phạm trong quá trình hoạt động; yêu cầu các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp được thanh tra nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ, năm 2016, Thanh tra Bộ đã ban hành 85 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 85 cơ quan, tổ chức, cá nhân và cảnh cáo 1 doanh nghiệp. Đồng thời, Thanh tra Bộ đã nhắc nhở nhiều cơ quan báo chí, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT về các sai phạm. Các đơn vị này được Thanh tra Bộ theo dõi, yêu cầu báo cáo kết quả việc thực hiện khắc phục hậu quả các hành vi sai phạm trên.
Đánh giá cao việc Thanh tra Bộ thường xuyên cải tiến phương pháp, lề lối làm việc nhằm xây dựng cơ quan vững mạnh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tuyên dương Thanh tra Bộ đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế dân chủ, đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban nội bộ để đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm, triển khai nhiệm vụ và đề xuất những công việc sắp tới. Thanh tra Bộ cũng coi trọng việc nghiên cứu, cập nhật chủ trương chính sách mới khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Đây là việc hết sức quan trọng, bởi lẽ, khi tiến hành thanh tra thì phải nắm chắc các văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tiến hành các hoạt động thanh tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng chức năng nhiệm vụ của mình, không vượt quá giới hạn nhưng cũng không bỏ qua quyền hạn, trách nhiệm của mình.
Về phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2017, Bộ trưởng cơ bản nhất trí với báo cáo của Thanh tra Bộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ rõ, báo cáo mới chỉ nêu ra một số nhiệm vụ trong năm 2017, mà chưa nêu được bối cảnh của năm 2017 tác động đến công tác thanh tra là gì. Bộ trưởng yêu cầu Chánh Thanh tra Bộ tiếp tục chỉ đạo và đưa vào kế hoạch công tác của Thanh tra Bộ năm 2017 với trọng tâm: "Năm 2017 là năm toàn Đảng, toàn dân quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là Nghị quyết rất quan trọng nhấn mạnh đến chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ cán bộ, Đảng viên". Trên cơ sở đó Bộ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ bổ sung thêm nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển. Do đó, công tác thanh tra phải góp phần đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu này. Thanh tra phải nghiêm minh, không nể nang và không có vùng cấm. Đặc biệt, thanh tra không lấy thành tích xử phạt bao nhiêu làm thành tích thanh tra mà phải đặt mục tiêu cao hơn là thanh tra để uốn nắn, chấn chỉnh, cảnh báo những sai phạm.
Trên cơ sở thanh tra, phát hiện sai phạm thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không nhẹ trên nặng dưới, không nhẹ với cơ quan này, nặng với cơ quan khác, không nhẹ trong nặng ngoài; bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra phải giải quyết cho được, xử lý dứt điểm, không để tồn đọng các vụ việc. Chú trọng nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra tổng hợp đánh giá thực trạng và tham mưu, đề xuất ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách kịp thời, ngăn chặn mọi lỗi hổng, kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước không chỉ của Bộ TT&TT mà cả với Thanh tra Chính phủ, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Thanh tra là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo đúng quy định của pháp luật, chứ không phải là để gây khó dễ cho doanh nghiệp, nhưng thanh tra cũng không dung túng cho các doanh nghiệp làm sai. Đặc biệt, thanh tra phải lấy mục tiêu làm trong sạch đội ngũ, đảm bảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nghiêm, tuân thủ nghiêm pháp luật để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
Hai là Thanh tra Bộ phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiệu quả. Tuy nhiên trong bối cảnh mới, yêu cầu đòi hỏi mới chắc chắn sẽ còn nhiều lỗ hổng, bất cập về kiến thức, do đó, đội ngũ thanh tra viên, đội ngũ cán bộ thanh tra phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật, luật chuyên ngành.
Ba là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng thuộc Thanh tra Bộ và phân công hợp lý, khi thực hiện nhiệm vụ thì tập thể Thanh tra Bộ phải là một; bảo đảm mỗi thanh tra viên phải có chuyên môn chuyên sâu về một lĩnh vực nhưng vẫn phải am hiểu các lĩnh vực khác, để khi cần có thể đảm nhiệm, tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khác. Trên cơ sở đó đảm bảo sự thống nhất điều hành chung của Chánh Thanh tra và mỗi thanh tra viên phải tăng cường tính chủ động, nắm bắt tình hình để tham mưu, giải quyết, giúp việc.
Bốn là đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT đều là lĩnh vực rất rộng và lĩnh vực nào cũng “nóng” liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính trị, an ninh, văn hóa và lợi nhuận, doanh thu của các doanh nghiệp. Do đó lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo kiên quyết, mạnh hơn từ việc thanh tra báo chí, xuất bản phải chặt chẽ hơn, tăng cường các cuộc kiểm tra, hạn chế tối đa tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Thanh tra Bộ phải tập trung vào công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị; thanh tra việc cấp đổi các loại giấy phép; tập trung thanh tra đột xuất và thanh tra diện rộng đối với các dịch vụ của ngành TT&TT để xảy ra thiếu sót, gây bức xúc cho xã hội, được xã hội quan tâm như vấn đề thuê bao di động, thuê bao trả trước, thuê bao trả sau… thời gian qua.
Năm là công tác thanh tra, phải chú trọng sắp xếp hồ sơ, tài liệu, phương tiện hợp lý và đảm bảo tính bảo mật cao. Khi chưa công khai kết luận thanh tra thì chưa được công bố, nhất là các văn bản dự thảo của thanh tra, không được để lộ lọt, vì đây là tài liệu mật. Chính vì vậy, một mặt phải bảo quản tốt hồ sơ nhưng mặt khác phải nghiên cứu, ứng dụng CNTT, xây dựng phần mềm tra cứu hiệu quả.
Sáu là tăng cường công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa các lực lượng thanh tra từ Thanh tra Bộ, thanh tra chuyên ngành đến các Sở, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt và tăng cường trao đổi thông tin với các Bộ, ngành liên quan, hỗ trợ giúp đỡ nhau giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Sở, Thanh tra chuyên ngành của các Cục; giữa Thanh tra Bộ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an; với các cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo trong các lĩnh vực mà Bộ được giao phụ trách…
Bẩy là với vai trò là cơ quan thường trực giúp Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng lãng phí của Bộ; đề nghị Thanh tra Bộ phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban Cán sự và Văn phòng Bộ để xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãnh phí. Đồng thời, Thanh tra Bộ phải đôn đốc, theo dõi các đơn vị, doanh nghiệp các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Tám là về công tác cán bộ, Thanh tra Bộ cần làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nguồn, bảo vệ chính trị nội bộ; tiến hành luân chuyển cán bộ theo đúng quy định của ngành Thanh tra; chú trọng đào tạo, đào tạo lại để mỗi cán bộ thanh tra khi giao bất cứ nhiệm vụ thanh tra lĩnh vực nào, vấn đề nào, khi cần trưng dụng giải quyết việc gì thì đều thực hiện được. Riêng với các đơn vị có thanh tra chuyên ngành, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ và Phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2011 đến 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.