Công an phường Xuân Hà giới thiệu hệ thống máy chủ giúp kết nối với 10 điểm gắn camera trong khu vực để quan sát, theo dõi (ảnh: CAP Xuân Hà) |
Tại buổi thăm và làm việc với Cục Viễn thông chiều 11/5/2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn lưu ý hiện trạng bất cập trong việc quản lý sử dụng các thiết bị di động ở nước ta.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu một loạt số liệu, dữ liệu để làm dẫn chứng: “Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013, số lượng thuê bao di động là 123,7 triệu, chiếm 137% so với dân số, trong đó 70% thuê bao thực. Thị trường thiết bị di động Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao 12% trong năm 2014, cao hơn cả Trung Quốc.
Theo ghi nhận từ Tổng cục Hải quan cách đây 5 năm, chúng ta đã nhập khẩu đường chính ngạch 12,3 triệu thiết bị di động, trong đó nhập từ Trung Quốc 11,3 triệu thiết bị. Thiết bị giả được bán với giá rất rẻ, gây hại cho nhãn hiệu có uy tín, gây thất thu thuế cho nhà nước.
Năm 2011, chỉ có 12,3 triệu thiết bị trên tổng số 26 triệu thiết bị di động nhập khẩu được nhập khẩu theo đường chính ngạch, gây thất thoát 540 tỷ đồng, ảnh hưởng không chỉ kinh tế mà ảnh hưởng cả an ninh quốc gia.
Và với tổng số 95% thuê bao di động là trả trước hiện nay ở Việt Nam, các cuộc đấu tranh chống các mối đe dọa, quản lý cấu hình thiết bị OEM... không còn hiệu quả”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn |
Bởi vậy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng cần có giải pháp mới mang tính toàn diện hơn để quản lý các thiết bị di động.
“Chúng ta có cần triển khai giải pháp đăng ký thiết bị cấp quốc gia hay không? Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia trong quản lý các thiết bị di động thì cần sự phối hợp tích cực của nhiều Bộ, ban ngành, chứ không chỉ giao riêng cho Cục Viễn thông. Chẳng hạn, danh sách nhập khẩu thiết bị di động thì liên quan tới Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính...
Nếu làm được việc này sẽ góp phần tạo sự linh hoạt hơn trong giải quyết các vấn đề xảy ra. Chẳng hạn có thể đi trước 1 bước với kẻ phạm luật, đối tượng làm hàng giả. Mặt khác, giải quyết hạn chế trong giải pháp quản lý truyền thống để ngăn chặn thiết bị không hợp lệ, trộm cắp, qua đó bảo vệ người tiêu dùng và lợi ích mục tiêu lâu dài.
Đặc biệt, có cơ sở dữ liệu tốt sẽ tăng sự cộng tác giữa các vùng, quốc gia để ngăn chặn nạn buôn lậu, trộm cắp các thiết bị di động”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của Cục Viễn thông trong công tác quản lý nhà nước: từ cấp phép công khai minh bạch đến quản lý sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên kho số; giải quyết các tranh chấp... Đặc biệt làm khá tốt việc giám sát giá cước khuyến mại, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Cục Viễn thông quan tâm một số công việc sau: Chủ động nghiên cứu hoàn thiện chính sách về quản lý viễn thông, Internet, phối hợp Cục Tần số Vô tuyến điện trong việc quản lý, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ; Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách; Giảm tối đa rào cản tiếp cận thị trường để mọi thành phần kinh tế có cơ hội bình đẳng tham gia thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo đúng pháp luật, giúp các doanh nghiệp phát triển tốt; Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo bí mật thông tin cho người sử dụng dịch vụ. Trước vấn đề quản lý thuê bao di động trả trước không được thực thi nghiêm túc, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ TT&TT Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành như Công an, Công Thương, và 1 số cơ quan báo chí đi kiểm tra, thanh tra đột xuất 1 vài đại lý sim, xử lý tịch thu tang vật vi phạm để làm gương, công bố công khai trên báo chí; Chủ động hơn và rút ngắn thời gian giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp; Chuẩn bị cho hướng triển khai công nghệ 5G....
Theo ICT News