Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xác định 8 chương trình trọng tâm của ngành Thông tin và Truyền thông

VietTimes –Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V diễn ra sáng 18/8, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Đại hội. Ảnh MIC
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Đại hội. Ảnh MIC

Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 lần này có nhiệm vụ đánh giá toàn diện chặng đường 5 năm qua và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm tới.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TTNguyễn Mạnh Hùng đã nêu lên 8 chương trình trọng tâm cho toàn ngành trong thời gian tới và coi đây như là sứ mệnh mới của ngành TT&TT đối với đất nước, cụ thể:

Một là, chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Thứ hai, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Triển khai 5G, mỗi người một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Hạ tầng cloud; nền tảng định danh số, thanh toán điện tử; Nền tảng công nghệ như dịch vụ AI, IoT, Big Data, Blockchain; Nền tảng chuyển đổi số các ngành;…

Thứ ba, đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng. Với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng Việt Nam, đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Đảm bảo chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng của Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.

Thứ tư, chuyển đổi chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác giữa chính quyền và người dân nhiều hơn.

Thứ năm, chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Vietnam với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.

Thứ sáu, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ 50 nghìn doanh nghiệp sẽ thành 100 nghìn doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, cả doanh nghiệp phát triển sản phẩm, cả doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ bảy, báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá.

Thứ tám, chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với bảo vệ chủ quyền số quốc gia.

"Ngành Thông tin và Truyền thông có thể tạo thành một đôi cánh cho đất nước bay lên, trong đó một cánh là công nghệ số và một cánh là truyền thông. Chính báo chí truyền thông sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận, niềm tin và sự ổn định để phát triển, tạo ra khát vọng Việt Nam hùng cường, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Công nghệ số, chuyển đổi số là những mục tiêu không chỉ ngành TT&TT hướng tới mà hầu hết các ngành, lĩnh vực khác trong xã hội đều coi đây là trọng tâm, động lực cho sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 3/6/2020 đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo "Chiến lược quốc gia về phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030" nhằm ưu tiên phát triển doanh nghiệp số để đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế số của đất nước.