Đó là một phần nội dung trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về vấn đề thi hành Luật An ninh mạng cũng như những kết quả đã đạt được kể từ thời điểm luật có hiệu lực. Đại biểu Phương băn khoăn liệu đã giải quyết được những vấn nạn trên không gian mạng.
Trước chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng và khi có luật thì ta làm mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Minh chứng cho việc này, Bộ trưởng đưa ra kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới. Theo ông, trước đây với Facebook nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài.
Cùng với đó, Luật An ninh mạng cũng là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý các trang web mạo danh. Bộ trưởng cho biết vừa qua đã xử lý rất nhiều các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đánh giá về các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng cho rằng: Những trang này, ban đầu đưa thông tin để lấy niềm tin của người đọc. Đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi có được niềm tin của người đọc thì đưa những thông tin sai lệch trong tình huống khẩn cấp thì rất nguy hiểm.
Với nhận thức như vậy, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan và có lực lượng để giải quyết vấn đề này.
“Trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay, gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn. Trong số này có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng cho biết.
Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này.
Dù họ đeo mặt nạ trên không gian mạng nhưng lúc cần vẫn biết họ là ai
Trước câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về hành vi phát tán hình ảnh phản cảm, đăng bài viết không đúng sự thật lên mạng, Bộ trưởng Thông tin phản hồi: “Nếu phát hiện cá nhân nào thì phải báo ngay đến cơ quan chức năng để có hình thức xử lý. Gốc của hình ảnh phản cảm, thông tin không đúng sự thật vẫn là từ người tung tin”.
Ví dụ như chuyện quảng cáo thiếu trách nhiệm, làm ăn không tử tế, ở các nước người ta dồn hết trách nhiệm vào cơ quan sản xuất hàng hóa, chứ họ không đẩy trách nhiệm cho người đăng quảng cáo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả đơn vị đăng quảng cáo và đơn vị sản xuất đều phải có trách nhiệm. Ông cho biết sắp tới, Bộ sẽ hoàn thiện các quy định xử lý những người đưa tin sai.
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
|
Theo Bộ trưởng, hiện các hành lang pháp lý cũng đã đầy đủ để xử lý. Sở dĩ còn một số khó khăn vì một số mạng xã hội nước ngoài khi được yêu cầu làm rõ thông tin người sử dụng thì họ không nắm được.
“Sắp tới, Luật An ninh mạng yêu cầu rất nghiêm ngặt việc này. Khi cơ quan điều tra yêu cầu thì nhà mạng phải cung cấp danh tính của chủ tài khoản. Những người có ý định tung thông tin giả sẽ phải ngừng tay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và khuyên phát hiện cá nhân nào thì phải báo ngay đến cơ quan chức năng để có hình thức xử lý
Tư lệnh ngành khẳng định không còn chuyện muốn nói gì thì nói, không biết ai là ai trên mạng xã hội, rồi chuyện bị tung tin thất thiệt cũng không tìm ra được người tung tin.
“Không gian mạng ai cũng đeo mặt nạ hết, nhưng khi cần là chúng ta vẫn phát hiện được họ là ai”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.