Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngành bưu chính cần giải quyết “nỗi đau” của XH, giúp dân thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với sứ mệnh mới, Bưu điện Việt Nam cần tham gia giải quyết các bài toán, nỗi đau của xã hội, đồng thời đóng góp các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Bưu điện Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Bưu điện Việt Nam.

Những nhận định trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa tra trong buổi làm việc với Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post). Với tư duy mới, cách làm mới, Vietnam Post đặt ra sứ mệnh giúp người dân thoát nghèo trong giai đoạn 2021-2030.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Chu Quang Hào - Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, Bưu điện Việt Nam sẽ bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thường xuyên, tham gia phát triển dịch vụ công. Vietnam Post đặt mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận năm 2030 tăng gấp 5 lần so với năm 2020. Trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược mới, Vietnam Post sẽ thay đổi căn bản tổ chức, cách thức điều hành kinh doanh.

Đại diện Bưu điện Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.

Đại diện Bưu điện Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.

Thời gian qua, một số nền tảng do Vietnam Post xây dựng như bản đồ số Vmap, nền tảng mã địa chỉ bưu chính VPostcode, sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart… đã góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.

Bên cạnh đó, đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hiện đang xây dựng Đề án “Bưu điện Việt Nam giúp người dân thoát nghèo”. Đây là dự án hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn thông qua các chương trình đào tạo về cách thức bán hàng, gắn kết sản phẩm, tăng giá trị nông sản thông qua sàn thương mại điện tử Postmart. Mọi hàng hóa thiết yếu có thể tiếp cận người dân thông qua hệ thống điểm phục vụ của bưu điện, kể cả vùng sâu, vùng xa. Thông qua các dịch vụ bưu chính công ích, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng có thể đến gần hơn với người dân, góp phần xây dựng hệ sinh thái hành chính công khép kín.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao sứ mệnh mới của Bưu điện Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng đánh giá, khi doanh nghiệp bưu chính giúp người dân kinh doanh, tạo công cụ tăng thu nhập, họ sẽ chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp bưu chính. Giả sử, 24 triệu hộ với 100 triệu người dân tham gia hệ sinh thái của Bưu điện Việt Nam, doanh thu của doanh nghiệp này không chỉ tăng gấp 2, gấp 3 lần mà sẽ sở hữu chuỗi bán lẻ lên tới 24 triệu “siêu thị” nhỏ.

Bộ trưởng nhận định, giúp dân thoát nghèo là mơ ước ngàn năm của đất nước ta. Đây là quá trình thay đổi bản chất kinh doanh, chuyển từ việc thu phí dịch vụ của người dân sang giúp họ tăng thu nhập, từ đó cùng phát triển, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường. Bộ trưởng lưu ý thêm, một trong những điểm đổi mới trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII là đưa vào khái niệm khát vọng Việt Nam, khát vọng phồn vinh hạnh phúc, khát vọng hùng cường thịnh vượng.

“Bưu chính cũng phải có khát vọng giải các vấn đề xã hội, nỗi đau xã hội, chẳng hạn như giúp người dân thoát nghèo. Từ khát vọng đó sẽ tạo ra nhiều giá trị khác nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đề ra các phương án xây dựng hệ sinh thái bưu chính hiệu quả, triển khai nền tảng trên toàn quốc. Bưu điện Việt Nam cần đặt mục tiêu triển khai sàn Postmart xuống 11.000 xã, nếu thành công sẽ trở thành công ty dẫn đầu chuyển đổi số.

Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Theo đó, một trong những giải pháp cần chú trọng là sự hợp tác với các lĩnh vực khác như ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất, logistics, vận tải, kho bãi... Chẳng hạn, Bưu điện có thể hợp tác với ngân hàng để phát triển các “ATM biết đi”, mang tiền đến tận nhà người dân có nhu cầu vay tiền. Khi đó, tiềm năng phát triển sẽ rất lớn. Thay vì vài nghìn cây ATM của ngân hàng, dự án hợp tác có thể huy động hàng trăm nghìn “ATM biết đi”, phục vụ nhu cầu của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, để kinh doanh có lợi nhuận, doanh nghiệp phải đặt mục tiêu cao. Chỉ có đặt mục tiêu cao mới có giải pháp đột phá, cho cơ hội để người tài xuất hiện, đồng thời tạo ra không gian mới, giúp hàng trăm nghìn người có cơ hội thể hiện mình.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, cùng với chuyển đổi số trong năm 2021, Bưu điện Việt Nam chính thức tuyên bố chiến lược phát triển hạ tầng, trở thành doanh nghiệp hạ tầng. Xác định “không chấp nhận cái mới thì sẽ không thể phát triển”, Bộ trưởng yêu cầu Bưu điện Việt Nam phải thường xuyên thí điểm cái mới với quy mô nhất định, từ đó xác định mục tiêu, chiến lược phát triển trong tương lai.