Bộ trưởng Đào Hồng Lan lý giải về chi phí khám, chữa bệnh rất cao nhưng hiệu quả chăm sóc y tế kém

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Để giảm tiền túi của người dân, cần chuyển đổi mô hình bệnh tật bền vững, tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, giảm gánh nặng bệnh tật" - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Vấn đề về chăm sóc sức khoẻ người dân, các vướng mắc trong bảo hiểm y tế trong phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm nóng nghị trường sáng nay (8/11) tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. HCM) về giảm chi phí điều trị cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây là vấn đề được ngành y tế rất quan tâm. Vì vậy, để giảm tiền túi của người dân cần chuyển đổi mô hình bệnh tật bền vững, tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, giảm gánh nặng bệnh tật.

Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. "Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều người có bệnh rồi mới đi khám, khiến chi phí khám, chữa bệnh rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém" - bà Đào Hồng Lan nói và dẫn kết quả khảo sát tại Bệnh viện K cho thấy nhiều người đến khám, chữa bệnh ung thư khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Bộ trưởng Lan cho rằng, thực tế này đặt ra vấn đề về tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế. Việc này cần ưu tiên bên cạnh việc tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.

Dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, tỷ lệ tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt mức 30% thì có hệ thống y tế bền vững. Vì vậy, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

081120230936-phạm-khánh-phong-lan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Về vấn đề lạm dụng xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết việc áp dụng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại hỗ trợ nhiều cho quá trình chẩn bệnh, điều trị và theo dõi sau điều trị. Với sự phát triển khoa học kĩ thuật, có nhiều thiết bị tốt đã giúp phát hiện bệnh từ sớm, để có thêm cơ hội chữa bệnh tốt hơn. Thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường để có trang thiết bị tốt hơn để khám, chữa bệnh cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết vừa qua có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém chi phí cho người bệnh và tâm lý bức xúc cho người bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm y tế - là quỹ của toàn dân, mà trách nhiệm của các cơ quan ban, ngành, người dân để Quỹ được phát triển, ổn định, phục vụ người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nhóm nguyên nhân chính là nhận thức trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác - điều này đòi hỏi chỉ đạo để có nhận thức xét nghiệm ở hợp lý cao nhất. Ngoài ra việc xã hội hóa liên danh liên kết đòi hỏi thu hồi vốn đã dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó có các quy định về các định mức kỹ thuật, về trần thanh toán, quyết toán, tăng cường giám định bảo hiểm y tế, kết nối liên thông để kiểm soát chi phí.

Trao đổi về lĩnh vực Y tế và các vấn đề đã được chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế.

Phạm Minh Chinh.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo: Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và bảo hiểm y tế một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch; Thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế; Tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.