Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng: Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm

Trả lời về việc số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước tới nay luôn chênh lệch theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam, Bộ trưởng  Vũ Huy Hoàng thừa nhận có yếu tố liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường.
Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Sáng nay 12/6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu.

Đại biểu Ngô Văn Minh, đoàn Quảng Nam cuối phiên chất vấn chiều hôm qua đặt câu hỏi về tình trạng chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa các nước: "Rõ ràng trong quản lý số liệu còn bất cập. Cử tri rất lo lắng về mức độ chênh lệch ngày một lớn này. Điều đó phải chăng thể hiện có tình trạng kinh tế ngầm ở nước ta? Và nó có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế đất nước? Xin Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Tôi muốn hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu trong vấn đề này".

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Mai Hữu Tín đoàn Bình Dương cho biết, số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước tới nay luôn chênh lệch theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Theo số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2014 Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 43,8 tỷ USD, chứ không phải 29 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, thực tế, việc chênh lệch về số liệu thống kê giữa các nước tồn tại ở nhiều quốc gia. Kim ngạch càng lớn thì chênh lệch càng nhiều. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận "chắc chắn là có buôn lậu và có kinh tế ngầm". Nhưng để đánh giá về mức độ gây hại đến nền kinh tế thì chưa có cơ sở.  Nguyên nhân của tình trạng này theo Bộ trưởng có yếu tố liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường, và biện pháp để khắc phục là "làm trong sạch đội ngũ đó". 

Đại biểu đoàn Quảng Nam này cũng đặt các câu hỏi khá thẳng thắn về tình trạng hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn hồi đầu năm. 

"Có lẽ Bộ trưởng cũng như những người dân cả nước rất đau lòng trước tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh. Tình trạng đã kéo dài hơn 10 năm nay nhưng không cải thiện. Bộ trưởng đi nước ngoài nhiều, tôi xin hỏi có thấy nước nào xảy ra tình trạng này hay không và có thể trả lời xem đến bao giờ thì chấm dứt?", ông Minh nhấn mạnh.

Sự khó khăn trong tiêu thụ nông sản cũng là vấn đề Bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn nhất trong ngày hôm qua. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Hoàng nói: "Dưa hấu chúng ta trồng được ở nhiều nơi nhưng xuất khẩu thì chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của khu vực này còn hạn chế, chỉ thông quan được 350 xe mỗi ngày, trong khi vào mùa vụ thì số xe chở hàng lên đến 1.000 xe một ngày, nên thường xuyên xảy ra ách tắc tạm thời".

Do đó, ông Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xin ý kiến Chính phủ về việc xây dựng một khu trung chuyển, đủ sức chứa 1.000 xe tải ở khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh. 

"Hiện dự án đang đầu tư, cần vốn lớn và đang chờ xin ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ đang làm việc với Lạng Sơn để chủ động triển khai", ông Hoàng cho hay. 

Bộ trưởng cũng khẳng định, đây không phải là biện pháp duy nhất mà còn có 2 biện pháp khác như trao đổi với Trung Quốc thỏa thuận tạo điều kiện cho hàng Việt vào thị trường Trung Quốc; thông tin đến người dân, người sản xuất, tránh việc tập trung sản xuất một số mặt hàng.

Về câu hỏi của đại biểu rằng ở nước ngoài có tình trạng này không, Bộ trưởng ngập ngừng trả lời: "Tôi cũng nói thật là không có điều kiện để có thể khảo sát được các nước là có tình trạng ùn ứ dưa hấu như ở cửa khẩu Tân Thanh không, vì đi công tác chủ yếu là đi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do".

Sáng nay, ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội và chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận lại nhiệm vụ cần phải làm của ngành công thương trong thời gian tới.

Đại biểu Thân Đức Nam, đoàn TP. Đà Nẵng cho rằng công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp là yếu tố quyết định để nâng tỷ trọng nội địa hóa giá trị sản xuất công nghiệp. Nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể.

“Vậy, Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ cho nền công nghiệp phát triển không? Do thiếu chính sách phát triển của nền công nghiệp hỗ trợ nên sau 20 năm thu hút đầu tư về ngành ô tô là không thành công. Liệu hội nhập sắp tới có cần một bộ luật để ban hành về hỗ trợ công nghiệp hay không? Nếu không cần ban hành luật thì đề nghị Chính phủ có giải pháp gì?”, đại biểu Nam đặt vấn đề.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đặt ra trong nhiều năm nay.

Bộ trưởng Hoàng thừa nhận trong nhiều năm qua chuyển biến trong xây dựng khung pháp luật, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này kết quả còn rất hạn chế.

Bộ trưởng Hoàng cho biết, năm 2014 bộ đã chủ trì và triển khai việc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, các ngành, của các địa phương chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều hội thảo với các địa phương, với các doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã trình Chính phủ xem xét, thông qua thẩm tra của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên cho đến giờ phút này, văn bản dự thảo lần thứ 6 cũng chưa được thông qua. Lý do có 2 vấn đề chính, chúng tôi nhận thức rằng mình chưa giải trình được một cách thấu đáo”, bộ trưởng Hoàng nhận lỗi.

Theo Bộ trưởng Hoàng, vấn đề đầu tiên là sự hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. “Chúng tôi hiểu rằng, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại đa số là DNNVV, nếu không nói phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Bản thân sức của họ cũng rất hạn chế, cho nên nếu bước chân vào làm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nếu không có sự đỡ đầu, sự hỗ trợ ban đầu thì rất khó cho họ và đây không thể thiếu vắng bàn tay của nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng phân tích.

Tuy nhiên, nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế là phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực cấp bách khác, không thể hỗ trợ trực tiếp quá nhiều cho lĩnh vực này. “Vì vậy, trong thiết kế của chúng tôi cũng có dự kiến đề xuất một loại hình quỹ hỗ trợ. Chúng tôi nghĩ rằng đề xuất của mình không phù hợp, chính vì thế, bây giờ tìm ra cách hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước rất là khó. Đấy là ý thứ nhất mà chưa giải trình được”, Bộ trưởng Hoàng nhận định.

Lý do thứ hai, là các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các trung tâm trợ giúp cho doanh nghiệp hỗ trợ. “Chúng tôi đã giải trình các trung tâm này sẽ tận dụng những cơ sở hiện có như các trường đại học, các Viện nghiên cứu. Chỉ bổ sung thêm trong những trường hợp cần thiết, mà không thể không bổ sung ở một số những cán bộ công chức có kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp. Như vậy, dù muốn hay không, mặc dù để tận dụng những cơ sở hiện có vẫn không tránh khỏi việc phát sinh thêm một số nhân lực”, bộ trưởng Hoàng giải thích.

Chính vì thế Chính phủ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang cải cách hành chính, đang sắp xếp lại bộ máy thì không thể tăng thêm số lượng người cho các loại hình này. “Đấy là 2 vấn đề chính chưa nhận thức được. Chính vì thế việc trình Chính phủ nghị định này chưa làm tròn trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm cá nhân tôi. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội như vậy. Rất thành thực xin nhận khuyết điểm”, bộ trưởng Hoàng nhận lỗi.

Theo Bộ trưởng Hoàng, để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần có mấy giải pháp. Trước hết tận dụng tốt những quy định pháp luật hiện có mà có liên quan đến doanh nghiệp hỗ trợ, gần đây nhất là Luật đầu tư. Theo đó, cần bổ sung một số luật thuế mới được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 dành một số ưu đãi về thuế cho các DNNVV, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vừa qua Bộ công thương ban hành quy hoạch về phát triển 6 nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, tổ chức tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để trao đổi và bàn về khả năng các doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng cho các doanh nghiệp nhỏ.

Thứ tư, cố gắng lồng ghép kết hợp công nghiệp hỗ trợ với chương trình liên quan đến cơ khí, như chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt chương trình thử nghiệm, chế tạo tổ máy phát điện công suất 600 MW các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia. Những vấn đề này chúng tôi đang triển khai trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần phải đẩy mạnh phát triển cho được công nghiệp phụ trợ. Cần phải nghiên cứu lâu dài hơn để chủ trương này đi vào cuộc sống.

“Vấn đề này sẽ này ảnh hưởng rất nhiều cho đời sống kinh tế, sản xuất kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài vào cũng mong nền công nghiệp phụ trợ phát triển để hỗ trợ cho họ giảm giá thành sản phẩm. Nhập siêu cũng từ đây. Nếu cứ để tình trạng như thế này thì khó mà tạo ra chuyển biến cho nền kinh tế, khó tạo ra cân bằng cán cận xuất nhập khẩu, giảm giá cả hàng hoá”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vị tư lệnh ngành đã trả lời nhiều chất vấn trước Quốc hội, nắm sâu lĩnh vực phụ trách và có nhiều biện pháp quyết liệt giải quyết tình hình. "Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn nên có nhiều điều chưa đạt như mong muốn", ông Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành Công Thương cần làm cho thị trường thông suốt, khoa học, linh hoạt, vận hành một cách nhanh nhạy, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Làm thế nào để người nông dân, doanh nghiệp... có sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh, và phải được bán đến được người tiêu dùng, đó là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong thời gian tới. Ông cũng đặt ra yêu cầu phải phát triển cho được công nghiệp hỗ trợ, quản lý điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước...

Theo VnE, Bizlive