Có buôn lậu, gian lận thương mại
Liên quan tới con số nhập siêu 20 tỷ USD của Việt Nam từ Trung Quốc mà “không ai biết” được ĐBQH Mai Hữu Tín (Bình Dương) nêu ra tại phiên thảo luận buổi sáng 8/6, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, con số này là hoàn toàn chính xác.
“Đúng là có số liệu chênh lệch giữa thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chênh lệch số liệu là do ngành hải quan quản lý chưa tốt về ngăn chặn gian lận thương mại”- Bộ trưởng Vinh nói.
Cắt nghĩa cụ thể, ông Vinh cho biết, số liệu xuất nhập khẩu hàng năm được Tổng cục Thống kê lấy nguồn từ hải quan. Một tổ “xử lý số liệu” thống kê với sự tham gia của 4 bộ đã được hình thành từ 20 năm nay, gồm Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, nên không có gì “khuất tất”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Chênh lệch 20 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc "không ai biết" là do chênh lệch dữ liệu về thống kê giữa các nước |
Nhưng Bộ trưởng Vinh cho rằng, hầu hết các nước đều gặp tình trạng không “khớp” về số liệu thống kê, chứ không riêng gì Việt Nam. Đơn cử, như năm 2014 xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Singapore theo số liệu thống kê của Việt Nam là 9,8 tỷ USD, nhưng số liệu của Singapore chỉ là 16,1 tỷ USD; hay số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha, theo thống kê của Bồ Đào Nha là 340 triệu USD, nhưng thống kê phía Việt Nam chỉ là 280 triệu USD, chênh nhau gần 30%...
Đi vào phân tích cụ thể, Bộ trưởng Vinh đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do cách thống kê mỗi nước là khác nhau. Thế giới quy định xuất theo giá FOB, nhập theo giá CIF (đã bao hàm giá vận tải).
Thứ hai, hàng hóa của chúng ta đưa vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạnh, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan, nhưng phía Trung Quốc lại không tính con số đó. Đơn cử, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là 2,14 tỷ USD, nhưng Trung Quốc ghi nhận mặt hàng này chỉ 0,7 tỷ USD. Ngược lại, trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của VN thì trị trường Trung Quốc nhập 2,5 triệu tấn, chiếm gần 30% song chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
"Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phía bạn tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên, do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O). Không phải xuất là xuất, nhập là nhập. Xuất xứ và thống kê hàng hoá hiện đang rất phức tạp"- trưởng ngành KH&ĐT bình luận.
Lý do thứ 3 được Bộ trưởng Vinh bóc tách, là do cách tính thuế khác nhau nên cách tính giá trị giá hải quan giữa các nước cũng khác nhau, không trùng khớp.
Từ thực tế, ông Vinh nhìn nhận, những phức tạp này đã được các nước nhìn nhận và đưa ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về số liệu thống kê này, song thực tế lại rất khó.
Với kinh nghiệm 40 năm quản lý thương mại biên giới nên ông Vinh rất thấu hiểu, không phải toàn bộ hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại là hàng cấm.
“Đúng là có chuyện giá trị hàng xuất, nhập của chúng ta qua Trung Quốc còn nhiều hơn con số thống kê thực tế, có gian lận thương mại, có buôn lậu…. nhưmg không thể nhìn vào con số chênh lệch giá trị này mà chúng ta nói rằng, nếu đúng ra khoảng cách giữa hàng nhập – xuất còn nhiều hơn. Chưa chắc”- Bộ trưởng Vinh chốt lại.
Không nên kỳ thị doanh nghiệp FDI
Chia sẻ trước lo lắng của các ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về sự phụ thuộc quá nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, không nên kỳ thị với DN FDI. Bởi, không có nước nào là không mong muốn thu hút FDI vào, kể cả những nước lớn như Mỹ, Nga. Rất nhiều nước tha thiết, họ còn mở cửa và “mời” chúng ta vào.
Theo ông, ở đây có vấn đề tỷ trọng FDI với DN trong nước. Chúng ta thử hình dung không cho DN FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế tới mức tối đa thì điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế của nước ta.
Chẳng hạn, một đề án của Samsung thôi đến giờ đã giải ngân 11,3 tỷ USD và sẽ giải ngân tiếp trong năm nay khoảng 3 tỷ USD nữa. Riêng một dự án của DN này đã giải quyết được việc làm cho 40.000 lao động, lương bình quân khoảng 5 – 7 triệu đồng/ tháng…
Hay ngay cả những dự án FDI chưa chuyển giao công nghệ được nhưng cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Nói vậy để thấy tác động mọi mặt của nền kinh tế, do đó cần phải có DN FDI.
Ở chiều ngược lại, đồng tình với quan điểm của các ĐBQH, ông Vinh nhấn mạnh, phải quan tâm phát triển DN trong nước, bởi hiện nay DN Việt Nam chủ yếu vẫn là DN phụ trợ, là DN nhỏ và vừa. Nếu DN trong nước không phát triển mạnh thì hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm đi.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam họ mong muốn có nguồn nguyên liệu từ trong nước để giảm giá thành, chứ chẳng ai lại muốn nhập khẩu toàn bộ linh kiện từ nước ngoài, hay tại chính nước sở tại cả…”- ông lập luận.
Vì thế, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ và Quốc hội cơ chế đặc biệt bằng luật đồng bộ để hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tư lệnh ngành kế hoạch kỳ vọng, sang năm 2016 với hệ thống văn bản luật đồng bộ, chứ không phải các văn bản dưới luật hiện nay, sẽ tạo ra nền tảng cho DN nội địa phát triển.
Theo Infonet