Tại phiên thảo luận Tổ của Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh đã dành thời gian để nói khá kỹ và tâm huyết về hiện trạng nông nghiệp. Nỗi lo của ông bao quát từ tình trạng chậm tăng trưởng của nông nghiệp trong quý 1 nói chung cho đến chuyện nhiều loại nông lâm sản của Việt Nam gặp tình trạng rớt giá, như cao su, gạo, dưa hấu, thanh long...
“Nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách bài bản hơn, chúng ta sẽ gặp khó khăn". Hàng loạt câu chuyện xung quanh nông sản đã dẫn đến nỗi lo ngại này của ông.
Về cao su, ông kể: "Mấy ngày trước, có doanh nghiệp cao su gặp tôi, trông rất buồn bã. Trước, giá 150 triệu đồng/tấn, giờ thậm chí chỉ còn 25 triệu đồng/tấn... Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su, đây là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị nữa..."
Về gạo, ông đưa ra một số vấn đề VN phải đối mặt, như: Một số nước bắt đầu dùng chính sách bảo hộ nông nghiệp như Indonesia, trước đây, họ nhập rất nhiều, nay lại hạn chế nhập khẩu, tự cung tự cấp trong nước; Rồi thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ chính của chúng ta, nay họ cũng được mùa liên tục và nghe nói cũng đủ dùng, không lo và khả năng không nhập nhiều như trước, v.v…
Từ đó, ông đặt câu hỏi: “Nếu mỗi năm ta cứ tiếp tục sản xuất dư 7-8 triệu tấn gạo thì không biết rồi bán đi đâu?”
Trước phiên thảo luận Tổ này, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo VietNamNet, khi được hỏi về động lực nào giúp VN tăng trưởng kinh tế, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, ông trả lời đó là “thể chế”. Một thể chế mà như ông mô tả là “Tạo ra động lực để huy động toàn bộ nguồn lực ở trong tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh”. Liên hệ đến nông nghiệp, ông nói: “Giống như trước đây chúng ta có "khoán 10", "chỉ thị 100" nó vẫn là nông nghiệp ấy, đầu tư ấy, nhưng một khi cơ chế đúng thì lập tức chúng ta từ một nước thiếu ăn trở thành một nước xuất khẩu gạo ngay lập tức”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: Minh Thăng |
Những mối quan tâm cũng như hiểu biết sâu của vị Bộ trưởng bộ KHĐT về nông nghiệp có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng lại sẽ là dễ hiểu nếu chúng ta tìm hiểu thêm về ông.
Chẳng hạn, một câu chuyện cách đây hai năm mà tôi được nghe kể cũng như đọc được từ báo chí. Năm 2013, tại Mỹ, ông Vinh đã có đến thăm World Bank và trao đổi về chủ đề: “25 năm phát triển của Việt Nam, từ 1986 đến nay”. Trong bốn thành tựu nói trên, chủ đề nông nghiệp được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói khá kỹ.
Ông Hiệu Minh, khi ấy là chuyên viên World Bank, cũng tham dự buổi nói chuyện đã kể lại: “Dường như xuyên suốt bài phát biểu dài 30 phút và sau đó một giờ đồng hồ trao đổi thông qua mấy chục câu hỏi của người tới dự, vấn đề nông nghiệp Việt Nam được Bộ trưởng trả lời rất ấn tượng, gây được cảm tình cho người nghe”.
Bản thân tôi được biết, những chuyên gia kinh tế Mỹ cùng các doanh nghiệp trong buổi nói chuyện đánh giá cao và hài lòng về những thông tin xung quanh lĩnh vực nông nghiệp mà ông chia sẻ.
Song, có lẽ đây sẽ là chuyện thú vị mà không nhiều người để ý. Cũng như cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng Nguyễn Bá Thanh, ông Bùi Quang Vinh cũng trưởng thành từ một kỹ sư nông nghiệp, đội trưởng sản xuất, rồi đi dần lên tới cương vị Giám đốc nông trường trong giai đoạn đầy gian khó, thử thách khắc nghiệt của thời kỳ kinh tế bao cấp.
Có lẽ vì thế mà cả hai ông, sau này khi giữ cương vị cao nhất của Đà Nẵng và Lào Cai, đều mang lại làn gió mới cho địa phương. Đó là việc tỉnh, thành mà họ lãnh đạo luôn luôn nằm trong Top đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ông từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp (năm 1975). Sau 2 năm (1982-1984), được cử đi học tại Học viện Quản lý kinh tế nông nghiệp cao cấp Mátxcơva - Liên Xô (cũ) [1], ông tiếp tục trở lại Nông trường Quốc doanh Phong Hải (tỉnh Hoàng Liên Sơn) đảm trách cương vị giám đốc.
Tôi được một người bạn của gia đình ông kể lại, khi đã về Trung ương đảm nhận trọng trách Bộ trưởng KHĐT, nhà ông vẫn luôn có những người bạn là nông trường viên, từng là hàng xóm, làm cùng nhau năm nào với ông, họ về nhà vợ chồng ông chơi, thăm hỏi. Họ biếu ông những bó rau rừng, những thứ củ quả tự trồng được vì biết ông rất thích.
Phải chăng, chính từ ngành học của mình, rồi từ những năm công tác, gần gũi với anh em, bè bạn làm nghề nông ở nơi vùng cao suốt mấy chục năm như vậy, nay dù cương vị của ông đã rất khác xưa, nhưng ông luôn đau đáu nghĩ về người làm nông nghiệp, lâm nghiệp hôm nay còn bao vất vả, lo toan.
Việc Bộ trưởng Bùi Quang Vinh luôn chia sẻ và thấu hiểu, thể hiện qua cách lo của một người lãnh đạo ngành kế hoạch với ngành nông nghiệp có khởi nguồn từ đó chăng? Và, liệu những câu chuyện trên có thể là chìa khóa giúp chúng ta "giải mã" vì sao ông Bùi Quang Vinh luôn quan tâm đến nông nghiệp, ngành mà ông gọi là "trụ đỡ của nền kinh tế", tuy được đánh giá rất cao về tiềm năng, song lại quá nhiều thử thách ở phía trước đang cần được giải quyết một cách căn cơ.
Để thoát khỏi thị trường hạn hẹp hiện có, từng ngành hàng phải nghiên cứu thị trường mới có tiềm năng. Từng địa phương phải nâng cao giá trị trong toàn chuỗi nông sản ở địa bàn thích hợp nhất, từ sản xuất – chế biến – kinh doanh đảm bảo chất lượng, vệ sinh, được chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Ngành thương mại và các doanh nghiệp phải tập trung mở cửa và phát triển thị trường. Các lĩnh vực giao thông vận tải, điện, khoa học công nghệ… cần chung tay tạo nên bước đổi mới quan trọng này."
Theo VNN