Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi bàn về tính phức tạp của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay.
Theo Bộ trưởng, hệ thống pháp luật hiện nay bao gồm Hiến pháp, đạo luật do Quốc hội, chính phủ và các quy định của cấp dưới. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần, những gì phù hợp sẽ để lại, những gì cần sửa sẽ phải sửa đổi hoặc hủy bỏ khi không cần thiết.
Xã, huyện cũng được ban hành văn bản
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thông tin một con số “khủng khiếp” về các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, khi có tới 1 triệu văn bản đã được ban hành, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và các bộ ngành.
Trước sự phức tạp của hệ thống văn bản pháp luật, Bộ trưởng đánh giá: Nếu văn bản do Quốc hội, Chính phủ hay các bộ ngành ban hành thì dễ tiếp cận, bởi hiện đã có cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia.
Tuy nhiên, do các cấp chính quyền như huyện, xã cũng được ban hành văn bản, nên Bộ trưởng cho rằng, một nhà đầu tư nếu đầu tư mà Quảng Bình, thì sẽ khác đầu tư ở Vũng Tàu, bởi các quy định ở địa phương khác nhau.
“Hệ thống pháp luật của ta tôi đố luật sư nào hiểu hết được chứ chưa kể các doanh nghiệp và người dân. Năm 2008 đề nghị làm sao giảm bớt cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản và giảm bớt hình thức ban hành, nhưng Quốc hội không đồng ý”, Bộ trưởng nói.
Đến kỳ họp Quốc hội năm 2013 vừa qua, theo quy định Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền ban hành văn bản, song điều kiện chặt chẽ hơn. Tức là, cơ quan cấp xã, huyện chỉ được ban hành trong trường hợp khi được Quốc hội giao.
Doanh nghiệp cần có luật sư đi trước
Đồng thời, các bộ cũng không được ban hành thông tư liên tịch, mà chỉ được ban hành thông tư. Theo Bộ trưởng, quy định này đã làm gọn lại một bước quan trọng là giới hạn việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và hiệu quả hoạt động của DN.
Đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu cao và chặt chẽ về tính minh bạch thông tin, môi trường pháp lý, Bộ trưởng cho rằng các DN cần có văn hóa, tư duy làm ăn theo đúng pháp luật.
“Phòng thủ hay tấn công, dù kinh doanh ở trong nước hay đầu tư ra nước ngoài, thì bao giờ cũng phải nghĩ chuyện có cá đơn vị tư vấn về luật. Tôi quản lý giới luật sư nên biết các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt, ông chủ chưa bao giờ đi trước mà thuê luật sư đi trước, tìm hiểu và tra lời các câu hỏi như môi trường có rủi ro và ổn định không? Tức là không bao giờ nhà đầu tư tự làm những công việc này mà họ thuê luật sư tìm hiểu và soạn thảo các văn bản luật”, Bộ trưởng khuyến nghị.
Được biết, hiện có 65 các chi nhánh văn phòng luật sư nước ngoài ở Hà Nội và TP.HCM hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài. Theo Bộ trưởng, việc đầu tư ở nước ngoài thì điều quan trọng là bài học sử dụng luật sư là yếu tố quan trọng giúp cho DN có được thắng lợi và thành công trên thị trường.
Theo Trí thức trẻ