Tại phiên thảo luận về về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam, một số Đại biểu Quốc hội lưu ý các quy định về việc cho phép nhập và phá dỡ tàu cũ, tránh để gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã làm rõ hơn vấn đề này.
- Bộ GTVT đang chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, ông có thể cho biết công tác này đang được triển khai như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Nếu so sánh 5 lĩnh vực vận tải hiện nay, lĩnh vực hàng hải đang có mức độ xã hội hóa cao nhất. Trong đó, các cảng biển hầu hết do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong ngoài nước đầu tư khai thác, các trang thiết bị kho tàng bến bãi cũng do tổ chức, cá nhân tự đầu tư khai thác. Vai trò của Nhà nước còn hiện hữu trong lĩnh vực đầu tư luồng hàng hải, một số đê biển và một số công trình hạ tầng công cộng hàng hải.
Trên tinh thần đó, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực cảng biển. Theo quy định của pháp luật, đối với các cảng biển đang do nhà nước quản lý sẽ tiếp tục khuyến khích thu hút nguồn lực của tổ chức, cá nhân đầu tư để khai thác, hạn chế tối đa sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước. Những gì tư nhân có thể tham gia được sẽ dành cho tư nhân, đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư cũng như Nhà nước.
- Với việc sửa đổi Bộ Luật Hàng hải Việt Nam lần này sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy công tác xã hội hóa này như thế nào thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Luật Hàng hải sửa đổi và bổ sung chắc chắn sẽ tác động và tạo điều kiện tốt hơn cho công tác xã hội hóa quản lý và khai thác cảng biển. Mục tiêu chung để làm sao triển khai theo hướng xây dựng văn bản pháp luật vừa chặt chẽ về quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng, khai thác mang lại lợi ích chung, lợi ích kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
- Hiện đang có tình trạng hãng vận tải nước ngoài ép giá, tăng giá cước vận tải, Bộ GTVT đã có những giải pháp gì thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Chúng tôi khẳng định giá cước vận tải được điều tiết theo thị trường. Hiện nay có tình trạng một số hãng tàu nước ngoài lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá cước vận tải cao hơn so với thực tế, cũng như loại phí phụ phí mà gọi chính xác là phụ cước theo cước vận tải. Thực chất phụ cước này thực chất là thông lệ quốc tế các nước đều có. Việt Nam hiện có 13 loại phụ cước mà các hãng tàu nước ngoài thu của chủ hàng Việt Nam với mức tương đối cao.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang nghiên cứu các tập quán quốc tế, kinh nghiệm của các nước, văn bản pháp luật có liên quan để soạn thảo và ban hành dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định công khai, minh bạch, rõ ràng việc các hãng tàu nước ngoài phải đăng ký giá cước cũng như phụ cước một cách minh bạch để các cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm tra khi phát hiện ra rằng nếu các loại cước, phụ cước không hợp lý thì phải giải trình với cơ quan nhà nước.
Qua đợt kiểm tra vừa qua của Bộ Tài chính, việc các hãng vận tải nước ngoài thu cước cao hoặc phụ cước bất hợp lý sẽ được tổng hợp để đưa vào văn bản, đảm bảo chúng ta thực hiện đúng thông lệ quốc tế, đúng pháp luật nhưng phải công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích của cả người vận tải và của chủ hàng.
- Một số Đại biểu Quốc hội đề xuất không nên cho nhập tàu cũ để tiến hành tháo dỡ tại Việt Nam vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Chúng tôi cũng đồng quan điểm với các đại biểu và hiện đang triển khai công tác này theo hướng phải bảo vệ môi trường. Hoạt động phá dỡ tàu cũ ở trong nước vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự, thủ tục, đặc biệt về đảm bảo môi trường trong phá dỡ tàu biển.
Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã xây dựng Nghị định về phá dỡ tàu biển trình và đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các thông tư liên quan về trình tự thủ tục cấp phép cho các cơ sở tham gia nhập khẩu và phá dỡ tàu biển vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Các văn bản khẳng định việc bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, mấu chốt nhất khi cho phép nhập khẩu tàu biển cũ đã qua sử dụng để phá dỡ. Với công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay, cùng với các quy định chặt chẽ sẽ giúp kiểm soát được vấn đề môi trường, đảm bảo an toàn trong việc phá dỡ tàu biển.
Tuy nhiên nếu chỉ quy định các điều kiện và yêu cầu các doanh nghiệp đáp ứng nhưng chỉ được phá dỡ tàu biển trong nước thì sẽ có rất ít tàu phá dỡ và sẽ không ai đầu tư. Cũng phải nói thêm là, nếu thiếu sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước trong việc phá dỡ tàu biển thì vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra một cách nghiêm trọng.
Chúng tôi đề xuất và đã được Chính phủ chấp nhận là cho phép nhập tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất thép, giải quyết số lượng lớn công ăn việc làm và mang lại lợi nhuận khá cao.
Chúng tôi cũng rất mong rằng, đại biểu Quốc hội, công luận ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT cho phép nhậu tàu biển về để phá dỡ, dưới sự kiểm soát chặt chẽ về môi trường, thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật sắp được ban hành.
- Xin cảm ơn ông!
Theo: VOV