Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi triển khai Chuyển đổi số chưa cần nghĩ đến những việc xa xôi, chỉ cần nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình mình, làng xã mình; liên quan đến doanh nghiệp mình, tổ chức của mình, sau đó mới nghĩ đến những vấn đề quốc gia, toàn cầu. Bộ trưởng đưa ra một dẫn chứng rất gần gũi và thực tế để chứng minh: Tư duy làm sao để mẹ mình bán được nải chuối nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, có lợi nhuận hơn là đã tốt lắm rồi. Bằng cách nghĩ như thế chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn.
Cũng với cách tư duy ấy, Bộ trưởng cũng cho rằng Việt Nam cần hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp nhỏ, quy mô 5-10 người, đi sâu vào giải quyết những vấn để thường nhật của cuộc sống, với quy mô nhỏ, tại các làng, xã, tỉnh, thì quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất nhanh.
Đặc biệt Bộ trưởng nêu một quan điểm tôi cho là rất mới cần thay đổi đó là: Thay vì kêu gọi đổi mới giáo dục, hãy đào tạo nhân sự tại các doanh nghiệp.
Bộ trưởng lập luận: Nếu chờ ngành giáo dục đổi mới thì sẽ mất nhiều năm, do đó việc đào tạo hiệu quả nhất hiện nay là tại các doanh nghiệp. Đào tạo tại doanh nghiệp thực hiện song song với đổi mới giáo dục sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực giỏi hơn, chứ không thể chỉ chờ ngành giáo dục.
Các doanh nghiệp có một lợi thế là có công việc thực tiễn và có cơ sở vật chất, có người đi trước. Việt Nam có 700 ngàn doanh nghiệp, chính những doanh nghiệp đó sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo những người mới ra trường để có kỹ năng cần thiết phục vụ cho doanh nghiệp của mình. Việc đào tạo nguồn nhân lực có thể thực hiện bằng nhiều cách, học ở nơi làm việc, học trên mạng, học qua các mối quan hệ xã hội, kết hợp với học tại trường học.
Cuối cùng, Bộ trưởng khẳng định cần đưa chuyển đổi số vào giáo dục. Chẳng hạn không thể đòi hỏi hàng triệu giáo viên phải xuất sắc như nhau, do đó phải có giải pháp học trực tuyến, một giáo viên giỏi sẽ truyền đạt kiến thức và đánh thức khả năng học hỏi ở học sinh.