Bổ sung nội dung chiến tranh biên giới, chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa: “Hãy trả lại sự thật lịch sử”

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, sẽ bổ sung những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng nhưng còn thiếu vắng trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành vào chương trình giáo dục mới như chiến tranh biên giới, chủ quyền biển, đảo.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nhân Việt (TPHCM) trang trí cho báo tường mang chủ đề về trận hải chiến Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) - nơi 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Ảnh: L.T
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nhân Việt (TPHCM) trang trí cho báo tường mang chủ đề về trận hải chiến Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) - nơi 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Ảnh: L.T

“Muộn còn hơn không”

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, trong quá trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GDĐT sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà sử học để đưa nội dung còn được ít đề cập trong SGK lịch sử hiện hành vào SGK mới. Trong đó, có các cuộc chiến tranh biên giới phía bắc Việt - Trung, Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa… Theo ông Hiển, SGK hiện hành tuy không nhiều và chưa đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến các nội dung trên ở bài học chính hay các bài đọc thêm.

Lý giải về việc SGK hiện hành có ít thông tin liên quan đến chiến tranh biên giới, chủ quyền hải đảo, GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên SGK từng chia sẻ với báo chí, cuộc chiến được các tác giả biên soạn 4 trang phản ánh chi tiết nội dung, sự kiện tuy nhiên khuôn khổ sách giáo khoa quy định và chủ yếu vì lý do “quan hệ tế nhị” với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều lần và cuối cùng chỉ còn lại 11 dòng.

“Những tác giả lúc bấy giờ không thỏa mãn nhưng buộc phải chấp nhận”, GS Vũ Dương Ninh nói.Đồng tình với chủ trương trên, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: “Là công dân Việt Nam, học sinh cần biết và hiểu đất nước ta đã trải qua những chặng đường lịch sử nào, đất nước ta dài, rộng ra sao, vì thế SGK rất cần đề cập đến những nội dung này ngay từ lớp 1, kể cả những phần bị chiếm đóng hay những thất bại”. Ông Rinh đánh giá, “bây giờ mới đưa vào là bổ sung nhưng muộn còn hơn không làm”.

Tôn trọng sự khách quan

Bàn về biên soạn SGK lịch sử, GS -TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu quan điểm: “Trước hết, sách lịch sử cần phải có tính khách quan, khoa học. Việc đưa những nội dung trên vào chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc giảng dạy lịch sử dân tộc một cách khách quan”.

GS Vũ Minh Giang nhận định thêm: Không nên đưa vấn đề “ảnh hưởng quan hệ ngoại giao” vào trong quá trình dạy học lịch sử, hãy tôn trọng sự thật khách quan. “Trong bất cứ quan hệ giữa hai nước nào, nếu trong lịch sử có xảy ra tranh chấp, xung đột, chiến tranh thì vấn đề không phải là lấp hay xóa nó đi, cũng không phải là khoét rộng ra mà phải giữ nguyên như nó có. Và trên cơ sở đó, giáo dục thế hệ trẻ mai sau tránh những chuyện đó đi, đấy mới là cách làm triệt để”, ông Giang nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót tồn tại trong SGK lịch sử, ThS Trần Trung Hiếu - giáo viên bộ môn sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An phân tích: “Phải nhìn nhận một cách khách quan, SGK lịch sử hiện hành đã có nhiều bất cập, lỗi thời và thiếu sót. Trong đó, thiếu sót lớn nhất là không hề nhắc đến quá trình bảo vệ và đấu tranh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 và chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 thì quá mờ nhạt và sơ sài, khiến học sinh không hiểu gì. Việc Bộ GDĐT chủ trương đưa những nội dung này vào chương trình mới được coi là một bước tích cực, khoa học, cầu thị”.

ThS Trần Trung Hiếu cho rằng, bỏ sót kiến thức đó là có lỗi với lịch sử, có lỗi với những người đã ngã xuống vì tổ quốc, vì cuộc đấu tranh bảo vệ, gìn giữ lãnh thổ. Chiến tranh biên giới đã lùi xa 37 năm, đủ để chúng ta nhìn nhận lại sự thật lịch sử. Và sự thật lịch sử là cái đang còn thiếu trong chương trình SGK môn sử.

“Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Hạn chế lớn nhất khi viết SGK đó là sự kiện bị áp đặt bởi những quan điểm về mặt chính trị, rất khô cứng, nhiều số liệu, sự kiện và phản ánh không đúng hết về sự thật lịch sử. Cho nên, đừng đặt vấn nhạy cảm hay không nhạy cảm mà là tôn trọng sự thật lịch sử một cách khách quan. Hãy trả lại sự thật lịch sử, dù có phũ phàng nhưng mọi người vẫn sẽ tôn trọng, hơn là việc dựng lên hoặc bóp méo hoặc né tránh, giấu giếm sự kiện lịch sử”.

Các chuyên gia cùng cho rằng Bộ GDĐT cần có sự tham vấn rộng rãi của các hội nghiên cứu, các chuyên gia lịch sử, các thầy cô giáo ở bậc phổ thông trong quá trình xây dựng chương trình và biên soạn SGK.