Bộ não của bạn có thể trở thành mục tiêu tấn công của hacker?

VietTimes – Công nghệ mới có thể giúp hacker đưa mã độc vào trong suy nghĩ của bạn, từ đó có thể biết được bạn đang nghĩ gì và làm gì.
(ảnh minh họa: Pixabay)
(ảnh minh họa: Pixabay)

Hãy tưởng tượng một viễn cảnh trong tương lai, bạn ngồi trước máy tính xem các trang mạng xã hội bằng cách dùng suy nghĩ để ra lệnh cho máy. Hay chiếc iPhone của Apple sẽ có giao diện não-máy tính cho phép bạn thực hiện mọi tính năng thông qua tâm trí. Đó sẽ là một phép lạ của khoa học khi nó được giới thiệu.  

Công nghệ nào cũng sẽ có mặt trái. Trong khi bạn duyệt web hoặc thực hiện công việc của mình, hacker có thể sử dụng phần mềm gián điệp để cài vào trong suy nghĩ của bạn. Nó có thể thu thập thông tin cá nhân trực tiếp từ tín hiệu não của bạn, những điều bạn thích và không thích, sở thích chính trị, thói quen tình dục, mật khẩu ngân hàng…

Đây không phải là một viễn cảnh quá xa vời. Công nghệ đọc suy nghĩ đang trở thành hiện thực. Giao diện não-máy tính đang trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực y tế, điện toán cá nhân và thậm chí là game. Nếu chúng ta không tính đến mặt trái của vấn đề này một cách nhanh chóng, nó sẽ trở nên quá muộn khi bị lợi dụng.

Bộ não của bạn là dữ liệu lớn

(ảnh: Chris Hope)
(ảnh: Chris Hope) 

Chưa đầy một năm trước, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Biorobotics, Đại học Washington đã chế tạo ra một thiết bị cho phép tìm hiểu thông tin từ não thông qua một giao diện não-máy tính

Nguyên lý hoạt động của thiết bị như sau: Người thí nghiệm sẽ đội vào đầu một thiết bị gọi là EEG, sau đó họ sẽ chơi một trò chơi gọi là “Flappy Whale” , tương tự như trò chơi nổi tiếng “Flappy Bird”. Người chơi sẽ điều khiển con cá heo vượt qua các chướng ngại vật bằng cách sử dụng các phím mũi tên trên bàn phím.

Trong khi người chơi đang say sưa điều khiển chú cá heo, đôi lúc trên màn hình sẽ xuất hiện một số thứ bất thường. Logo của các công ty khác nhau sẽ xuất hiện, nhấp nháy ở góc trên cùng bên phải màn hình, chỉ trong mili giây trước khi biến mất. Chỉ cần chớp mắt là người chơi không nhận biết được thứ gì vừa hiện ra.

Ý tưởng đằng sau thí nghiệm này rất đơn giản: hacker có thể chèn những hình ảnh như thế này vào trò chơi hoặc ứng dụng để ghi lại phản ứng không chủ ý của não bộ. Từ đó hacker có thể hiểu rõ về thương hiệu bạn quen thuộc hoặc hình ảnh nào bạn có phản ứng mạnh mẽ.

Hiện tại, có thể bạn không quan tâm đến việc có ai biết bạn thích ăn gà KFC, nhưng hãy tưởng tượng nếu một lúc nào đó bạn bị buộc phải nhìn thấy những hình ảnh xảy ra trong chớp mắt như trong thí nghiệm ở trên, có thể là hình một chính trị gia, biểu tượng tôn giáo, hoặc hình ảnh quan hệ tình dục của đàn ông và phụ nữ. Thông tin cá nhân thu thập theo cách này có thể được hacker sử dụng để làm bạn bối rối, ép buộc hoặc thao túng.

Vấn đề nằm ở đâu?

(ảnh: Maurizio Pesce)
 (ảnh: Maurizio Pesce)

Nói chung, vấn đề với giao diện não-máy tính là khi bạn dùng tín hiệu điện để điều khiển một ứng dụng, ứng dụng đó sẽ không chỉ truy cập được vào phần EEG cần thiết để điều khiển ứng dụng, mà nó cũng nhận được quyền truy cập vào toàn bộ EEG. Toàn bộ tín hiệu EEG đó chứa thông tin phong phú về bạn.

Không chỉ hacker lợi dụng những thông tin thu thập được từ não bộ của bạn, mà cảnh sát và chính phủ cũng có thể thu thập các thông tin này. Sẽ ra sao nếu chính phủ biết được bạn đang có ý định tham gia phe đối lập hoặc thực hiện một hành vi bất hợp pháp, bạn sẽ bị buộc tội. Trung Quốc đã thực hiện theo hướng này với việc đánh giá công dân qua hệ thống “điểm tín dụng xã hội”.  

Sự lạm dụng lớn nhất đối với công nghệ não-máy tính có lẽ thuộc về lĩnh vực quảng cáo. Nó có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư và sở thích của mỗi người. Các nhà quảng cáo sẽ gửi một đường dẫn trực tiếp tới bộ não người dùng. Nếu bạn đeo thiết bị EEG khi duyệt web hoặc chơi trò chơi, nhà quảng cáo có thể phân phối quảng cáo dựa trên các phản hồi từ não bộ của bạn cho các mục bạn thấy trên màn hình. Khi não bộ của bạn đáp ứng tốt với hình ảnh một chiếc bánh bugger, thì có thể một quảng cáo của McDonald’s được gửi đến.

Cấy ghép và trích xuất suy nghĩ

Có thể bạn từng thấy việc trích xuất các thông tin trong não có trong các bộ phim viễn tưởng của đạo diễn Christopher Nolan, nhưng nó hoàn toàn có thể trở thành sự thật. Nguy cơ thực sự của việc hack não không chỉ nằm ở việc hacker đọc được suy nghĩ của bạn, mà chúng còn có thể cấy ghép hoặc trích xuất những ý tưởng cụ thể trong bộ não của bạn.

Một số nghiên cứu từ trước đến nay đã chỉ ra được vị trí nào trong não bộ đảm trách công việc gì. Như vậy, các phần mềm độc hại hoàn toàn có thể nhắm đến một khu vực não cụ thể lấy ra hoặc chèn một phần thông tin vào đó.

Một minh chứng là các nhà nghiên cứu tại Đại học Buffalo đã phát triển được một hệ thống có thể can thiệp vào tâm trí của đối tượng, từ đó có thể điều khiển từ xa đối tượng. Thí nghiệm với các con chuột, họ có thể làm cho chúng chạy, đứng im, hoặc thậm chí mất kiểm soát hoàn toàn bốn chân.

Cách tiếp cận của các nhà khoa học nói trên dựa vào một kỹ thuật gọi là “kích thích từ trường”, nó vẫn đòi hòi một quy trình xâm lấn tối thiểu để có thể hoạt động được. Như vậy, những hacker không có kiến thức y khoa sẽ cực khó để hack não vào thời điểm này.

Chúng ta có thể làm gì?

(ảnh: Pixabay)
 (ảnh: Pixabay)

Hầu hết các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đều đồng ý rằng trong những năm tới cần có những chính sách hoặc quy định về quyền riêng tư, áp dụng cho các phần mềm có giao diện não-máy tính. Điều này sẽ đảm bảo cho mọi người biết được dữ liệu EEG của họ được sử dụng như thế nào, hoặc ít nhất là giới hạn phạm vi dữ liệu não bộ được thu thập. Khi mua hàng online hay vào mạng xã hội, chúng ta đều biết quyền riêng tư của mình bị ảnh hưởng, nhưng với giao diện não-máy tính, ai đó có thể thu thập thông tin về bạn mà bạn không hề hay biết.

Trong khi các chính sách cần nhiều thời gian mới có thể ban hành, thì một giải pháp kỹ thuật có thể là cần thiết vào thời điểm này. Nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Biorobotics, Đại học Washington đã trình bày chi tiết một công nghệ tiềm năng mà họ gọi là “Brain-Computer Interface Anonymizer”. Công nghệ này sẽ "lọc" tín hiệu não để các ứng dụng chỉ có thể truy cập vào dữ liệu cụ thể mà họ yêu cầu. Điều này cũng tương tự như việc các ứng dụng trên smartphone chỉ được quyền truy cập hạn chế vào thông tin cá nhân lưu trữ trong điện thoại. Việc rò rỉ thông tin ngoài ý muốn sẽ được ngăn chặn bằng cách không cho phép truyền hoặc lưu trữ tín hiệu thần kinh hoặc bất kỳ tín hiệu liên quan nào.

Thế giới cần phải nhận thức được rằng nhân loại cần được xác lập một quyền mới để tránh thông tin từ não bộ của họ bị đánh cắp, lạm dụng hoặc bị tấn công. Một số người có thể cho rằng hiện tại là quá sớm để lo lắng về việc não chúng ta bị hacker tấn công, nhưng thà ngăn chặn sớm còn hơn là quá muộn.

Xét cho cùng, luôn luôn có vẻ quá sớm để đánh giá một công nghệ mới cho đến khi nó bỗng nhiên trở nên quá muộn.

Theo I.E