Facebook đã làm gì với dữ liệu người dùng trong dự án nghiên cứu y học bí mật?

VietTimes -- Facebook đang sở hữu một cơ sở dữ liệu đồ sộ của người dùng không chỉ từ nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram, mà còn các từ các website liên kết. Những dữ liệu này dù được chia sẻ theo cách nào cũng có thể gây ra tác động không ngờ.
Ảnh minh họa: Mozilla
Ảnh minh họa: Mozilla

Vừa qua, Trưởng bộ phận nghiên cứu y tế của Facebook, ông Freddy Abnousi đã tiết lộ về một dự án y học bí mật, cho phép bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ y tế truy cập hồ sơ liên quan đến tình trạng sức khỏe của người dùng. Dự án này vừa bị các giám đốc điều hành của Facebook hủy bỏ.

Theo CNBC, Tiến sĩ Abnousi tuyên bố nhóm của ông đã hạn chế bên thứ 3 khai thác từ kho dữ liệu nói trên, ngoài các thông tin (ẩn danh) giá trị về nhân khẩu học, “những thay đổi về hành vi và giao tiếp với cộng đồng” để các tổ chức y tế có thêm kiến thức về chăm sóc bệnh nhân.

Thậm chí, Trưởng nhóm nghiên cứu y học của Facebook còn công khai lên tiếng ủng hộ việc truy cập dữ liệu chi tiết hơn về đặc điểm hành vi và xã hội của bệnh nhân, bao gồm 3 yếu tố có thể dẫn đến tử vong là: Đặc tính di truyền, tiếp xúc với chất độc hại và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, ông không đề cập công ty đang cung cấp dữ liệu trên nền tảng nào, Facebook hay Instagram.

Ông Abnousie cho biết: “Lý do của chính sách chia sẻ tình trạng sức khỏe tại Mỹ là những thay đổi về hành vi và giao tiếp với cộng đồng”. Ông nói thêm: “Thực sự, hiểu biết những yếu tố xã hội nào ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe là mục tiêu chính của chúng tôi”.

Chẳng hạn, Trung tâm Kiếm soát dịch bệnh của Mỹ quan tâm đến các thông tin hành vi như thói quen sử dụng các chất gây nghiện, thu nhập, gia cư, chủng tộc, tình trạng quan hệ và bạn bè trên Facebook.

Tiến sĩ Abnousie nói: “Các thông tin kiểu như: nơi sống, mạng lưới bạn bè, tình trạng hôn nhân, tâm linh và hoạt động trong quá khứ… đã được xác định có tác động tới bệnh nhân sau cơn đau tim, lớn hơn cả đặc tính di truyền hoặc tiếp xúc với chất độc hại”.

Ảnh minh họa: Inquisitr
 Ảnh minh họa: Inquisitr

Từ lâu, Facebook đã tìm cách khai thác tối đa dữ liệu trên các nền tảng của mình. Theo bài viết trên tờ Washington Post hồi tháng 4, công ty đã cung cấp thông tin cho bệnh viện và tổ chức y tế mà không được sự cho phép của người dùng:

“Ngay cả khi gạt sang một bên bằng chứng thì rõ ràng Facebook đã không lưu trữ thông tin dưới hình thức dữ liệu ẩn danh. Nhưng nếu nhận được yêu cầu của bệnh viện thì Facebook sẽ cung cấp chúng mà không cần sự cho phép của bệnh nhân, điều này trái với luật pháp Liên bang”.

Facebook có lý do để tin rằng bệnh nhân sẽ từ chối yêu cầu cho phép bên thứ 3 truy cập thông tin cá nhân của họ trên mạng xã hội. Năm 2016 một bệnh nhân ung cư cáo buộc công ty thu thập dữ liệu của mình trên các website về ung thư, liên kết với tài khoản Facebook. Vụ kiện hiện vẫn đang tiếp diễn nhưng Facebook có vẻ chưa muốn từ bỏ “mỏ vàng” dữ liệu y tế.

Tại Mỹ, mặc dù bệnh viện, tổ chức ý tế và nhà cung cấp dược phẩm đều phải bảo vệ thông tin cá nhân của bệnh nhân, theo Đạo luật về trách nhiệm giải trình và bảo hiểm sức khỏe (HIPAA). Nhưng CNBC cho rằng nếu dữ liệu được giả mạo thì các công ty có thể lách qua khe hở của luật pháp và bí mật sử dụng, bất kể chúng có thể kết nối với các dữ liệu khác (như thông tin cá nhân trên Facebook) hay không.

Nguồn tin của CNBC cho biết bên thứ 3 có thể “kết hợp những gì tổ chức y tế biết về bệnh nhân (VD: người bị bệnh tim, 50 tuổi, điều trị bằng 2 loại thuốc và tới nhập viện 3 lần trong năm qua) với thông tin của Facebook (VD: người dùng 50 tuổi, đã kết hôn và có 3 con, tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính, tích cực tham gia hoạt động xã hội thông qua lượng tin nhắn trên Facebook)".

Từ đó, thành viên tham gia dự án y học bí mật sẽ kết hợp 2 luồng thông tin này với nhau để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ban đầu tập trung tới các căn bệnh liên quan tới tim mạch.

Facebook đã khẳng định dự án nói trên chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên về bản chất, tất cả nền tảng mạng xã hội đều là những “chiếc hộp đen đóng kin”, mà chúng ta không thể hiểu thứ gì thực sự đang xảy ra bên trong. Cụ thể, đó cách Facebook và các công ty công nghệ đang thu thập và sử dụng dữ liệu.

Và còn chưa kể đến hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải như: Facebook thực sự có mối quan hệ thế nào với Cambridge Analytica trong vụ bê bối nổi tiếng? Biện pháp bảo mật của công ty an toàn tới đâu khi để các hacker tấn công và lấy đi thông tin của 50 triệu tài khoản? Liệu có thể tin tưởng Facebook khi họ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu mà không cần sự đồng thuận của người dùng?

Theo bất cứ cách nào, Facebook vẫn luôn thèm khát khai thác giá trị của dữ liệu trên nền tảng mạng xã hội, dù không có sự cho phép của bạn.

Theo Gizmodo